Một số vướng mắc trong việc áp dụng quy định về thời hạn mở phiên họp giải quyết đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo

Cập nhật lúc: 15:01 22/07/2020

Chế định án treo và buộc người chấp hành án hình phạt tù của bản án cho hưởng án treo phải chấp hành một khoảng thời gian thử thách được quy định cụ thể trong Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo.

Về điều kiện, trình tự thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách được hướng dẫn tại Nghị quyết đồng thời cũng quy định cụ thể tại Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Trong phạm vi bài viết, người viết chỉ đề cấp đến vướng mắc trong việc áp dụng quy định về thời hạn mở phiên họp giải quyết đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo.

Điều 9 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách, theo đó, tại khoản 1 Điều 9 của Nghị quyết đã quy định:

“1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chấp hành án treo cư trú, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người chấp hành án treo làm việc phải thành lập Hội đồng phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo và phân công Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Thẩm phán được phân công phải ấn định ngày mở phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo và thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp.

Thời hạn mở phiên họp không quá 15 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo.

Trường hợp cần phải bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ thì Thẩm phán yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự bổ sung hoặc làm rõ thêm. Trong trường hợp này, thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày Tòa án nhận được tài liệu bổ sung hoặc ý kiến bằng văn bản về vấn đề cần làm rõ thêm”.

Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, trong đó quy định về thời hạn mở phiên họp giải quyết đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, cụ thể theo khoản 4 Điều 90 quy định:

….

4. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người được hưởng án treo cư trú hoặc làm việc thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung”.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng thời hạn mở phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo có sự chưa thống nhất, do cách hiểu và nhận thức về áp dụng pháp luật không giống nhau. Hiện có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về vấn đề nay.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, căn cứ theo Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP thì thời hạn mở phiên họp là không quá 15 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo.

Quan điểm thứ hai cho rằng, căn cứ theo Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì thời hạn mở phiên họp là không quá 07 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo.

Bản thân người viết đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẽ:

Thứ nhất, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018. Đây là thời điểm Luật Thi hành án hình sự năm 2010 đang có hiệu lực thi hành. Theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 thì thời hạn mở phiên họp là 15 ngày. Như vậy, hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP là hoàn toàn phù hợp với thời điểm trước ngày Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có hiệu lực thi hành.

Thứ hai,  theo khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Do đó, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 lúc này có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Vì vậy, đối chiếu theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019, thì thời hạn mở phiên họp giải quyết đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo là 07 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo mới phù hợp với quy định hiện hành và không trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Từ những bất cập trên, kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng pháp luật được thống nhất trong toàn hệ thống.

Trên đây là quan điểm của người viết, rất mong nhận được các ý kiến chia sẻ, đóng góp để tạo sự thống nhất trong nhận thức chung về việc áp dụng pháp luật.

Bùi Văn Khanh – TAND thị xã Buôn Hồ