Một số ý kiến đóng góp hoàn thiện hoạt động của bộ phận hành chính tư pháp tại hai cấp Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk
Cập nhật lúc: 15:10 15/06/2018
Nhằm năng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ việc cũng như tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án nhanh chóng và thuận tiện hơn. Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk (TAND) đã thành lập, ban hành quy chế và đưa vào hoạt động Tổ hành chính tư pháp (HCTP) nay là bộ phân HCTP trực thuộc văn phòng TAND tỉnh Đắk Lắk
Sau khi được đưa vào hoạt động, bộ phận hành chính tư pháp đã tạo ra bước đột phá về cải cảnh hành chính tại Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình thụ lý các vụ việc dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, hình sự theo trình tự sơ thẩm, phúc thẩm và quy trình giải quyết khiếu nại tố cáo.
Tuy nhiên, sau thời gian đưa vào hoạt động thực tiễn thì đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn nữa mô hình hoạt động của bộ phận HCTP, tôi có một số ý kiến trao đổi sau:
- Về Điều 1 của quy chế quy định: Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của Tổ hành chính tư pháp thuộc Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
Để đảm bảo sự thống nhất về tổ chức và hoạt động của hệ thống hai cấp Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tôi góp ý sửa đổi như sau: Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của bộ phận hành chính tư pháp thuộc TAND tỉnh Đắk Lắk, TAND thành phố Buôn Ma Thuột, TAND thị xã Buôn Hồ và TAND các huyện trực thuộc TAND tỉnh Đắk Lắk.
- Về Điều 3 của quy chế hiện nay không quy định hoạt động cấp trích lục bản án, quyết định. Đây là hoạt động thường xuyên của Tòa án, số lượng cá nhân, cơ quan đến đề nghị Tòa án cấp trích lục ngày càng tăng.
Tại quyết định số 345/2016/QĐ-CA ngày 07/4/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng “…i. làm đầu mối thực hiện, rà soát, tra cứu, xác minh cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp theo quy định của Luật lý lịch tư pháp”.
Để hoạt động này theo đúng quy định và diễn ra nhanh chóng, tôi góp ý sửa đổi Điều 3 đưa lĩnh vực cấp trích lục bản án, quyết định và hoạt động làm đầu mối thực hiện, rà soát, tra cứu, xác minh cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp vào hoạt động của bộ phận hành chính tư pháp.
- Về quy trình tiếp nhận đơn, công văn: Theo mục 4 (sơ đồ hóa hoạt động), phần IV của Đề án thành lập và hoạt động thực tiễn hiện nay thì sau khi nhận đơn bộ phận HCTP vào sổ nhận đơn, công văn đến, tiếp đến vào sổ nhận đơn, công văn cấp giấy báo nhận đơn, sau đó trình Chánh án xử lý đơn, công văn trong các ngày làm việc, tiếp đến tổ HCTP tham mưu giải quyết.
Theo quy trình trên thì Chánh án xử đơn, công văn rồi tổ HCTP mới tham mưu giải quyết, hiện nay có nhiều văn bản sau khi nhận đơn, công văn tổ HCTP đề xuất Chánh án giao lại cho thành viên khác của tổ HCTP để xử lý. Việc xử lý như vậy dẫn đến kéo dài thời gian xử lý và Chánh án không nắm được ai là giải quyết đơn, công văn đó để có hướng xử lý cho phù hợp.
Về quy trình này kiến nghị như sau: Sau khi nhận đơn, công văn thì người nhận đơn, công văn phải liên hệ với các thành viên phụ trách các lĩnh vực của tổ HCTP liên quan đến nội dung công văn đó để rồi có hướng tham mưu, đề xuất cho Chánh án xử lý. (ví dụ: Cần giao cho Tòa, phòng hay Thẩm phán, cá nhân nào thì ghi vào nội dung đề xuất chứ không đề xuất quay ngược công văn trở lại thành viên nào đó của tổ HCTP). Kiến nghị thêm vào nội dung chuyển cho các thành viên khác đề xuất hướng giải quyết tại quy định của mục 2 Điều 10 Quy chế Hoạt động của Tổ HCTP.
Đối với các văn bản liên quan đến tố tụng như: Đơn xin hoãn phiên tòa, đơn xin xét xử vắng mặt… thì sau khi nhận người nhận các văn bản trên cần linh hoạt thông báo cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hoặc thư ký phiên tòa biết Tòa án đã nhận các văn bản như trên để khi tiến hành tố tụng tại phiên tòa họ có hướng xử lý cho phù hợp với quy định của pháp luật về tố tụng.
- Về thụ lý các vụ việc dân sự, hành chính sơ thẩm: Tại Điều 11, 12 Quy chế hoạt động của tổ HCTP quy định sau khi vào sổ thụ lý vụ án thì tổ HCTP ban hành thông báo thụ lý vụ việc sau đó mới đề xuất Chánh án phân công Thẩm phán giải quyết vụ việc.
Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự quy định:
“…2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
4. Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định tại khoản 3 Điều này phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).”
Điều 196. Thông báo về việc thụ lý vụ án
“1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án…”
Điều 197. Phân công Thẩm phán giải quyết vụ án
“1. Trên cơ sở báo cáo thụ lý vụ án của Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan, ngẫu nhiên.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.
Đối với vụ án phức tạp, việc giải quyết có thể phải kéo dài thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán dự khuyết để bảo đảm xét xử đúng thời hạn theo quy định của Bộ luật này…”
Điều 121 Luật tố tụng hành chính quy định:
“...3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 246 của Luật này;
c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này.”
Điều 126. Thông báo về việc thụ lý vụ án quy định:
“1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán đã thụ lý vụ án phải thông báo bằng văn bản cho người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)....”
Điều 127. Phân công Thẩm phán giải quyết vụ án
“1. Trên cơ sở báo cáo thụ lý vụ án của Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án bảo đảm đúng nguyên tắc vô tư, khách quan, ngẫu nhiên….”
Thực tế hiện nay, sau khi vào sổ thụ lý bộ phận HCTP đề xuất chánh án phân công Thẩm phán giải quyết sau đó chuyển hồ sơ vụ án cho Thẩm phán được phân công giải quyết, Thẩm phán được phân công giải quyết ban hành thông báo thụ lý vụ án, quy trình này dễ dẫn đến việc Thẩm phán ban hành thông báo thụ lý vụ án không đúng thời hạn quy định.
Theo quy định của quy chế và các Điều luật đã dẫn chiếu ở trên thì pháp luật về tố tụng hiện nay đã có phân biệt vai trò giữa Thẩm phán thụ lý và Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án để bảo đảm đúng nguyên tắc vô tư, khách quan, ngẫu nhiên. Tôi có ý kiến góp ý: Sau khi kiểm tra đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo nếu đủ điều kiện thụ lý thì tổ HCTP vào sổ thụ lý và ban hành thông báo thụ lý vụ án, sau đó mới đề xuất Chánh án phân công Thẩm phán giải quyết vụ án
- Về thụ lý các vụ việc dân sự, hành chính phúc thẩm: Theo quy định tại Điều 13 Quy chế hoạt động của Tổ HCTP và thực tế hoạt động hiện nay thì sau khi kiểm tra và nhận hồ sơ vụ việc các loại do cấp huyện chuyển đến thì tổ HCTP vào sổ thụ lý, sau đó đề xuất lãnh đạo phân công thẩm phán giải quyết vụ án.
Về quy trình này tôi có ý kiến góp ý như sau: Sau khi nhận kiểm tra hồ sơ các loại vụ việc do Tòa án án cấp sơ thẩm chuyển đến nếu đủ điều kiện thụ lý thì tổ HCTP vào sổ thụ lý và ban hành thông báo thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm, sau đó báo cáo Chánh án về việc thụ lý để Chánh án phân công Thẩm phán giải quyết theo thẩm quyền như vậy sẽ phù hợp với quy định của Điều 285 BLTTDS.
Điều 285 Bộ luật tố tụng quy định:
“1. Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
2. Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công một Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa.”
- Để phù hợp với các quy định của pháp luật tố tụng hiện nay tôi góp ý Ban biên tập trang thông tin Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tạo thêm thư mục thông tin về nhận đơn, xử lý đơn và thư mục Thông báo thụ lý để xét xử phúc thẩm để phù hợp với các quy định tại Điều 190, 191 và Điều 285 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 119; 121; 126 và Điều 217 Luật tố tụng hành chính.
- Về quá trình lên lịch xét xử các loại án hiện nay còn chưa khoa học và hợp lý, tôi góp ý cần kế hoạch xét xử khoa học hơn.
- Quy chế hiện nay cũng chưa quy định trách nhiệm, quyền hạn của Chánh án, Phó Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk, lãnh đạo văn phòng TAND tỉnh Đắk Lắk, Phòng tổ chức đối với hoạt động của bộ phận hành chính tư pháp.
- Về Điều 5 quy định cơ chế quản lý, điều hành hoạt động của bộ phận hành chính tư pháp là do Chánh án trực tiếp quản lý và sinh hoạt Đảng, công đoàn độc lập.
Ngày 07/4/2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành quyết định số 345/2016/QĐ-CA về tổ chức bộ máy nhiệm vụ quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Theo nội dung của quyết định này thì bộ máy giúp việc của Tòa án không có bộ phận hành chính tư pháp mà hoạt động của bộ phận hành chính tư pháp được quy định trong nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng.
Do đó, để phù hợp với tình hình hoạt động thực tế tại đơn vị và quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, tôi góp ý cần có sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động của bộ phận hành chính tư pháp hiện nay hoặc thay thế bằng việc ban hành quy chế hành chính tư pháp mới theo cơ chế một cửa áp dụng chung cho hệ thống TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk, trong đó quy định rõ lĩnh vực, quy trình hoạt động của cơ chế một cửa, trách nhiệm của Chánh án, Phó chánh án, Chánh tòa, Phòng tổ chức, Phòng kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án, lãnh đạo văn phòng, TAND tỉnh và Chánh án, Phó chánh án, lãnh đạo văn phòng tòa án nhân dân cấp huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh trong hoạt động của bộ phận hành chính tư pháp một cửa này, bên cạnh đó quy định về hình thức khen thưởng, xử lý kỷ luật.
Trên đây là ý kiến góp ý trao đổi bộ phận HCTP hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?