Nguyên tắc giao dịch điện tử trong hoạt động tố tụng

Cập nhật lúc: 13:31 09/02/2017

Một trong những điểm mới của Bộ luật tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 là quy định về hình thức thực hiện việc gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử giữa người khởi kiện, đương sự, người tham gia tố tụng khác (sau đây gọi là người khởi kiện, người tham gia tố tụng) với Tòa án trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự, vụ án hành chính.

Bộ Luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015 nhưng chưa có văn bản hướng dẫn.

Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn cụ thể việc gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử giữa người khởi kiện, đương sự, người tham gia tố tụng khác  với Tòa án trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự, vụ án hành chính. Theo đó, nguyên tắc giao dịch điện tử trong hoạt động tố tụng được quy định như sau:

- Việc gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ, cấp, tống đạt, thông báo văn bản bằng phương tiện điện tử phải tuân thủ quy định của BLTTDS, Luật TTHC, Nghị quyết này và pháp luật về giao dịch điện tử.

- Người khởi kiện, tham gia tố tụng có thể gửi và nhận hoặc chỉ nhận dữ liệu điện tử với Tòa án.

- Việc bắt đầu giao dịch, ngừng giao dịch được thực hiện kể từ ngày có thông báo chấp nhận của Tòa án.

- Trường hợp người khởi kiện, người tham gia tố tụng thực hiện giao dịch điện tử với Tòa án thì:

+ Tòa án có trách nhiệm thực hiện cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử cho họ.

+ Người khởi kiện, người tham gia tố tụng vẫn có quyền gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ bằng phương thức khác theo quy định của pháp luật tố tụng.

Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/02/2017.

Lưu Thị Thu Hường