Những bất cập của bộ Luật Tố tụng Hình sự trong việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử và đề xuất khắc phục
Cập nhật lúc: 08:53 30/03/2021
Ở Việt Nam, nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử đã được quy định trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong các lĩnh vực chuyên ngành. Đây được coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp. Tranh tụng trong xét xử góp phần rất quan trọng để Tòa án phán xét đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế tình trạng oan sai, bảo đảm cho nền tư pháp của nước nhà là biểu hiện điển hình của công bằng và công lý.
Tuy nhiên, hoạt động tranh tụng tại phiên tòa là một vấn đề mới so với truyền thống pháp luật hỏi đáp của nước ta trước đây, nên về mặt lý luận, vẫn còn nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau, hệ thống các quy định pháp luật còn hạn chế, chưa thể hiện tính đồng bộ, thống nhất cao mà còn nhiều mâu thuẫn, chưa phân định rõ ràng giữa thủ tục tranh tụng và thủ tục hỏi đáp trong các phiên tòa. Pháp luật tố tụng quy định nhiều về thủ tục hỏi đáp tại phiên tòa, đặc biệt là vai trò xét hỏi của hội đồng xét xử (HĐXX), kiểm sát viên (KSV), và thông qua thủ tục xét hỏi, các nội dung của vụ án cũng đã được làm rõ tương đối, nên phần thủ tục tranh luận tại phiên tòa trở nên tẻ nhạt, ảnh hưởng đến vai trò, trách nhiệm thực hiện của các chủ thể tham gia tranh tụng tại phiên tòa mà đặc biệt là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.
Trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, còn một số quy định của pháp luật về tranh tụng còn chưa cụ thể và rõ ràng, cùng một chủ thể tố tụng nhưng đang được giao thực hiện nhiều chức năng tố tụng khác nhau. Tòa án là cơ quan thực hiện chức năng xét xử có vai trò là trọng tài vô tư, bảo đảm tranh tụng khách quan giữa các bên, tuy nhiên BLTTHS năm 2015 vẫn quy định cho HĐXX có quyền khởi tố vụ án (Điều 153), quyền của Thẩm phán được trả hồ sơ điều tra bổ sung (Điều 277), quyền của Tòa án yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ (Điều 284), quyền của Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ mới (Điều 252)… các quy định này đã vượt quá chức năng xét xử của Tòa án và chồng chéo với chức năng của các chủ thể khác.
Mặc dù quy định của BLTTHS năm 2015 đã có thay đổi trong việc quy định về trình tự xét hỏi tại phiên tòa, tuy nhiên việc thực hiện xét hỏi tại phiên tòa vẫn được thực hiện chủ yếu bởi khoản 2 Điều 307 BLTTHS quy định: Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi. Quy định như vậy là không hợp lý bởi Viện kiểm sát có chức năng buộc tội nên tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải thực hiện việc xét hỏi để bảo vệ sự buộc tội đó, người bào chữa thực hiện chức năng gỡ tội nên họ được thực hiện việc xét hỏi để bảo chữa cho bị cáo. Trong khi đó, Tòa án đóng vai trò trung gian, chỉ xét xử và đưa ra phán quyết trong phạm vi giới hạn của sự buộc tội. Vì vậy, trách nhiệm xác định các tình tiết buộc tội thuộc về Viện kiểm sát (VKS), trách nhiệm xác định các tình tiết gỡ tội thuộc về người bào chữa, trách nhiệm xác định đầy đủ, khách quan các tình tiết buộc tội, gỡ tội thuộc về Tòa án. Do đó, khi tiến hành thủ tục xét hỏi, HĐXX chỉ lắng nghe và chủ tọa phiên tòa chỉ giữ quyền điều hành phiên tòa, quyết định cho ai hỏi, trả lời, duy trì thời gian hỏi và có quyền cắt các ý kiến, trình bày không đúng trong tâm. Việc HĐXX xét hỏi quá nhiều, KSV ít xét hỏi khiến việc tranh tụng chưa đi vào chiều sâu. Chính sự bất cập đó dẫn đến chưa phân định rõ chức năng của các chủ thể tố tụng khi xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa; đồng thời làm giảm đi vai trò buộc tội của KSV (VKS) trong hoạt động tranh tụng.
Để khắc phục được những bất cập trên đồng thời để bảo đảm việc thực hiện nguyên tắc trong hoạt động tố tụng, cần có sự phân định rạch ròi chức năng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Cụ thể, cần sửa đổi BLTTHS theo hướng có những qui định đưa Toà án trở lại đúng vị trí của cơ quan xét xử nhưng có vai trò chủ động hơn trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Điều này thể hiện ở việc cần phải bãi bỏ các quy định về thẩm quyền buộc tội hoặc có tính buộc tội của toà án như: Quy định Tòa án chỉ có trách nhiệm xét xử chứ không phải chứng minh tội phạm; bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án, thẩm quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung; sửa đổi quy định về giới hạn xét xử theo hướng toà án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi mà viện kiểm sát truy tố, sửa đổi điều khoản quy định về trình tự xét hỏi theo đó dành phần lớn thời gian xét hỏi và tranh luận cho bên buộc tội và gỡ tội, HĐXX chỉ nên hỏi có tính chất nêu vấn đề. Hội đồng xét xử và chủ toạ phiên toà không được có những lời lẽ khẳng định hay phủ định bất kì một vấn đề nào mà kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác nêu ra cũng như không được đánh giá, nhận xét đúng, sai về phiên toà. Trong tranh luận, Hội đồng xét xử cần chú ý lắng nghe, tôn trọng các ý kiến của kiểm sát viên, luật sư và những người tham gia tố tụng khác, tránh định kiến, phải quan tâm tới những ý kiến khác với lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát. Chú ý lắng nghe lời bào chữa của bị cáo và người đại diện, yêu cầu kiểm sát viên không được né tránh mà phải có ý kiến phản bác lại những ý kiến phản bác lời buộc tội của bị cáo.
Thứ hai, về trình tự phát biểu khi tranh luận (Điều 320 BLTTHS năm 2015) quy định: sau khi KSV trình bày lời luận tội thì đến bị hại trình bày lời luận tội (trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại). Tiếp đó đến lượt bị cáo trình bày lời bào chữa, người bào chữa trình bày lời bào chữa cho bị cáo; sau đó đến bị hại, đương sự... trình bày ý kiến là chưa hợp lý. Bởi lẽ, khi phát biểu lời bào chữa, bị cáo phải thể hiện quan điểm của mình không chỉ với lời luận tội của KSV mà còn cả đối với ý kiến của bị hại, đương sự. Vì vậy, cần quy định lại trình tự phát biểu khi tranh luận theo hướng: sau khi KSV trình bày lời luận; đến lượt bị hại (trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại); tiếp đó là bị hại, đương sự, người đại diện của họ trình bày ý kiến...; cuối cùng mới đến bị cáo trình bày lời bào chữa, người bào chữa trình bày lời bào chữa cho bị cáo. Như vậy sẽ đảm bảo phù hợp với lô gic của trình tự tranh luận và không kéo dài thời gian cuộc tranh luận giữa các bên.
Trên đây là quan điểm của cá nhân để cùng trao đổi. Rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của bạn đọc.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?