Những khó khăn vướng mắc khi áp dụng Điều 654 Bộ luật dân sự 2015 vào thực tế

Cập nhật lúc: 15:55 07/02/2017

Theo quy định tại điều 79 Luật HN&GĐ năm 2014 thì cha dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau khi cùng chung sống với nhau.

Điều 654 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định:

Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của bộ luật này.

Tuy nhiên, trên thực tế rất khó xác định trường hợp nào là có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, trường hợp nào không có do pháp luật chưa quy định căn cứ chứng minh việc nuôi dưỡng, chăm sóc lẫn nhau giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế. Trong khi đó quan hệ giữa cha dượng (mẹ kế) và con riêng của vợ (chồng) chỉ được luật hóa tại góc độ thừa kế từ khi có Luật HNGĐ năm 2000, ở đó quy định quyền được hưởng di sản. Nhưng luật lại không quy định cụ thể về cách cư xử với nhau giữa các thành viên trong mối quan hệ này, điều kiện để được hưởng di sản thừa kế đó. Bởi lẽ, rất khó để xác định như thế nào là “chăm sóc, nuôi dưỡng như cha con, mẹ con” vì trên thực tế có rất nhiều trường hợp họ sống chung nhà với nhau nhưng về mặt tình cảm thì họ không coi nhau như cha con, mẹ con, hay có những trường hợp họ không sống chung với nhau nhưng người con hay cha dượng (mẹ kế) có sự chu cấp về vật chất, tiền bạc để chăm sóc, nuôi dưỡng cha dượng (mẹ kế), con của vợ (chồng). Trong khi đó, trên thực tế những thành viên trong quan hệ này đối xử với nhau như những người cha, mẹ, con ruột không phải là nhiều. Pháp luật chỉ cấm các đương sự có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm nhau, nếu có thực hiện hành vi ấy ở mức độ nghiêm trọng, người thực hiện hành vi chỉ bị chế tài theo Điều 151 BLHS 1999 trong trường hợp nạn nhân là người nuôi dưỡng mình. Trên thực tế nhiều trường hợp gia đình sống chung với nhau không có phát sinh gì, song đến khi bố đẻ, hoặc mẹ đẻ của họ qua đời còn lại người cha dượng, mẹ kế già yếu thì không phải tất cả trong số họ đều được phụng dưỡng chu đáo.

Vì vậy, thiết nghĩ cần có những quy định cụ thể, chi tiết và hợp lý hơn liên quan đến mối quan hệ này hay cần quy định rõ hơn về việc xác lập, thực hiện quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế trong thực tế để cơ quan có thẩm quyền có căn cứ xử lý khi thừa kế phát sinh tránh tuỳ tiện theo ý chí chủ quan của người xử lý, giải quyết.

Nguyễn Thị Khánh Chi