Những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng Điều 259 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

Cập nhật lúc: 14:20 02/03/2017

Tạm ngừng phiên tòa là một quy định đã được áp dụng từ Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 nhưng thời điểm đó các trường hợp tạm ngừng phiên tòa chưa được quy định cụ thể thành điều luật riêng. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực đã cụ thể hóa các trường hợp tạm ngừng phiên tòa dân sự tại Điều 259.

Tuy nhiên, hiện nay các quy định liên quan đến các trường hợp tạm ngừng phiên tòa theo Điều 259 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, gây khó khăn trong việc áp dụng.

Điểm a khoản 1 Điều 259 quy định:

“1. Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng;”

Theo đó, trong quá trình xét xử mà những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa (Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên) vì tình trạng sức khỏe hoặc vì sự kiện bất khả kháng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa thì Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa. Mặt khác, khoản 2 Điều 259 quy định:

“2. Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa. “

Vậy trong trường hợp người tiến hành tố tụng là Thư ký ghi biên bản phiên tòa vì lý do sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng không thể tiếp tục phiên tòa thì việc tạm ngừng phiên tòa sẽ do ai ghi vào biên bản phiên tòa?

Một khó khăn nữa liên quan tới việc tạm ngừng phiên tòa đó là trường hợp Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa nhưng trong thời gian tạm ngừng phiên tòa thì có người tiến hành tố tụng (Thẩm phán, Thư ký, Kiểm sát viên) vì lý do khách quan mà không thể tham gia phiên tòa vào thời điểm phiên tòa được mở lại thì giải quyết như thế nào? Sẽ tiếp tục phiên tòa nếu có thẩm phán, thư ký, kiểm sát viên dự khuyết và được đương sự đồng ý hay phải hoãn phiên tòa?. Nếu không phải hoãn phiên tòa thì có phải ra quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng trước khi mở lại phiên tòa hay không?

Hiện các vấn đề này chưa có văn bản hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Vì vậy, trong thời gian tới thiết nghĩ Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết liên quan tới các trường hợp tạm ngừng phiên tòa dân sự, tạo thuận lợi cho Tòa án các cấp áp dụng, bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự./.

Trịnh Thị Vinh