Những vướng mắc trong việc xem xét, thẩm định tại chỗ khi giải quyết các vụ án dân sự.
Cập nhật lúc: 16:39 27/04/2021
Xem xét, thẩm định tại chỗ là biện pháp trong quá trình tố tụng nhằm thu thập tài liệu chứng cứ của Tòa án, chứng minh cho quyền khởi kiện của nguyên đơn.
Đây là một biện pháp thu thập chứng cứ quan trọng, là căn cứ để giải quyết vụ việc dân sự một cách chính xác, đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự.
Đương sự có đơn yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ, mà nội dung xem xét, thẩm định tại chỗ liên quan đến vụ kiện thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đó phải tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của đương sự.
Khi không tự mình thu thập được chứng cứ, tài liệu trong vụ án, đương sự (bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án) có quyền yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ, tài liệu để đảm bảo cho quá trình giải quyết vụ án. Xem xét, thẩm định tại chỗ là một trong các biện pháp mà Tòa án áp dụng để tiến hành thu thập chứng cứ, tài liệu.
Cụ thể căn cứ tại (khoản 1 Điều 101 BLTTDS 2015) thì theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ với sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức, nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định tại chỗ.
Trên thực tế, đã có không ít trường hợp đương sự đang trực tiếp quản lý tài sản là nhà đất tranh chấp không hợp tác với Tòa án, gây khó khăn, cản trở hoặc không cho tòa án thẩm định bằng việc đóng cổng, đóng cửa, bỏ đi khỏi nhà đất tranh chấp mỗi khi Tòa án đến xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản dẫn tới việc Tòa án không thể giải quyết được vụ án, không ít vụ án phải tạm đình chỉ không thời hạn.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 quy định cụ thể tại Điều 9:
"...6. Nếu có người nào cản trở Toà án tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ, thì Thẩm phán yêu cầu đại diện của Uỷ ban nhân dân hoặc cơ quan, tổ chức có biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời để thực hiện việc xem xét, thẩm định tại chỗ. Trong trường hợp cần thiết, Thẩm phán yêu cầu lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân có thẩm quyền để có các biện pháp can thiệp, hỗ trợ, theo quy định tại Thông tư số 15/2003/TT-BCA(V19) ngày 10-9-2003 của Bộ Công an hướng dẫn hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân.
7. Trường hợp đã thực hiện đầy đủ các biện pháp được hướng dẫn tại khoản 6 Điều này mà vẫn không tiến hành được, thì Thẩm phán lập biên bản về việc đương sự cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ để lưu vào hồ sơ vụ án. Biên bản về việc đương sự cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ, đồng thời, phải được gửi cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo pháp luật về hành vi chống người thi hành công vụ của đương sự».
Quy định này được áp dụng khi đương sự hoặc những người khác có hành động chống đối, gây rối khi Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ; nhưng với trường hợp đương sự đóng cửa, bỏ đi, Tòa án không thể vào xem xét, thẩm định tại chỗ thì có được coi là hành vi "cản trở” được nêu tại khoản 6 Điều 9 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP và có được áp dụng các biện pháp nêu tại khoản 7 hay không thì vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Theo ý kiến của tác giả vì lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc lực lượng Công an nhân dân không thể can thiệp, hỗ trợ Tòa án trong trường hợp đương sự khóa cửa, khóa cổng nhà đất bỏ đi; cơ quan có thẩm quyền cũng không thể xem xét, xử lý theo pháp luật về hành vi chống người thi hành công vụ của đương sự vì không có việc chống người thi hành công vụ nên không thể áp dụng khoản 7 Điều 9 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP trong trường hợp đương sự khóa cửa, khóa cổng, bỏ đi khỏi nhà đất là đối tượng cơ quan Tòa án cần xem xét, thẩm định tại chỗ.
Hiện nay, Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc đang gặp vướng mắc đối với các vụ án tranh chấp hợp đồng giao nhận khoán giữa nguyên đơn Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi với bị đơn là các Hộ nhận khoán trên địa bàn xã Hòa Đông.
Trên thực tế, các Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc đã phải vận dụng nhiều cách khác nhau từ việc phối hợp với chính quyền địa phương, Mặt trận tổ quốc, tổ chức Đảng... để giải thích, thuyết phục đương sự hợp tác, để Tòa án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ các tài sản tranh chấp.
Tuy nhiên, các người dân trên địa bàn xã Hòa Đông tập trung số đông để ngăn cản việc xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản.
Người dân xã Hòa Đông ngăn cản buổi xem xét thẩm định tại chỗ.
Thư ký viết biên bản về việc không tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ được.
Với sự chống đối quyết liệt đến từ người dân, Tòa án không thể xem xét, thẩm định tại chỗ được, Tòa án phải thu thập các chứng cứ khác bằng việc yêu cầu nguyên đơn Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi cung cấp các biên bản kiểm đếm vườn cây hàng năm, sau đó Hội đồng định giá tiến hành áp giá nhà nước đối với vườn cây đang tranh chấp để giải quyết vụ án. Thì hiện nay đang có hai luồng quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Việc Tòa án yêu cầu nguyên đơn cung cấp các biên bản kiểm đếm vườn cây, sau đó Hội đồng định giá tiến hành áp giá nhà nước đối với vườn cây đang tranh chấp để giải quyết vụ án là không khách quan. Bởi lẽ: Trong vụ án dân sự thì quyền lợi của nguyên đơn và bị đơn là đối lập nhau, việc yêu cầu nguyên đơn cung cấp biên bản kiểm đếm vườn cây thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi bị đơn vì khi nguyên đơn cung cấp số liệu thường số liệu sẽ có lợi cho nguyên đơn và bất lợi cho bị đơn. Mặc khác Nguyên đơn không chỉ dẫn được chính xác vị trí các cây được trồng trên đất giao khoán và thường kiểm đếm sót tài sản.... sẽ ảnh hưởng đến công tác thi hành bản án của Tòa án khi có hiệu lực pháp luật.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã giải thích quyền và nghĩa vụ cho các đương sự được quy định cụ thể trong Bộ Luật tố tụng dân sự, nhưng bị đơn không chấp hành, do vậy để có chứng cứ cho việc giải quyết vụ án thì Tòa án yêu cầu nguyên đơn cung cấp số liệu kiểm đếm vườn cây để làm căn cứ cho việc định giá tài sản và là chứng cứ cho việc giải quyết vụ án là đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Quan điểm của tác giả là đồng tình với quan điểm thứ hai, có như vậy Tòa án mới giải quyết được vụ án đúng thời hạn quy định của pháp luật. Tuy nhiên để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật,thì tác giả cũng đề nghị Quốc Hội trong thời gian tới cần quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng dân sự và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cần phải nghiên cứu, ban hành Nghị quyết hướng dẫn để các Tòa án ở địa phương áp dụng thống nhất biện pháp thu thập chứng cứ kịp thời giải quyết vụ án đúng quy đinhj của pháp luật.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?