Phân biệt hoãn phiên tòa và tạm ngừng phiên tòa ở giai đoạn giải quyết, xét xử phúc thẩm các vụ án Dân sự.

Cập nhật lúc: 17:17 20/03/2020

Phân biệt hoãn phiên tòa và tạm ngừng phiên tòa ở giai đoạn giải quyết, xét xử phúc thẩm các vụ án Dân sự.

Bộ luật tố tụng dân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7- 2016. Bộ luật có nhiều sửa đổi , bổ sung mới nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực hiện cam kết quốc tế, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động xét xử . Quá trình áp dụng  Bộ luật tố tụng dân sự nhìn chung đa số đã thực hiện tốt; tuy nhiên một số còn nhầm lẫn, chưa phân biệt rõ ràng giữa hoãn và tạm ngừng phiên tòa ở giai đoạn giải quyết, xét xử phúc thẩm, áp dụng căn cứ hoãn, tạm ngừng còn tùy tiện. Do vậy cần nghiên cứu phân biệt rõ giữa hoãn và tạm ngừng phiên tòa ở giai đoạn giải quyết, xét xử phúc thẩm là cần thiết để áp dụng đúng pháp luật trong hoạt động xét xử.

 Hoãn phiên tòa phúc thẩm là tạm ngừng việc xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm trong một thời gian nhất định trong những trường hợp do pháp luật quy định.

Tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm là trong quá trình xét xử phúc thẩm Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa khi có một trong các căn cứ theo quy định của pháp luật.

Vậy,theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thì việc hoãn phiên tòa và tạm ngừng phiên tòa được quy định như sau:

1. Hoãn phiên tòa phúc thẩm: 

Theo quy định tại Điều 269 BLTTDS thì việc hoãn phiên tòa phúc thẩm trong các trường hợp sau:

- Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa phúc thẩm vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị phúc thẩm.

- Người kháng cáo, người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.

- Người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt thì bị coi như từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của người đó, trừ trường hợp người đó đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.

- Trường hợp người kháng cáo vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.

-  Trường hợp có nhiều người kháng cáo, trong đó có người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt nhưng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì coi như người đó từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đưa vụ án ra xét xử. Trong phần quyết định của bản án, Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt đó.

-  Người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị và những người tham gia tố tụng khác đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.

Thời hạn hoãn phiên tòa và quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 233 của Bộ luật tố tụng dân sự.

2.Tạm ngừng phiên tòa:

Theo quy định tại Điều 304 BLTTDS thì việc tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 259 của Bộ luật này. Theo Điều 259 BLTTDS thì trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng;

-  Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, trừ trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt;

- Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa;

-  Chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại;

-  Các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải;

-  Cần phải báo cáo Chánh án Tòa án để đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 221 của Bộ luật này.

Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn này, nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Hội đồng xét xử phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa.

Trên đây là các trường hợp hoãn phiên tòa và các căn cứ tạm ngừng phiên tòa ở giai đoạn phúc thẩm. Do vậy, cần nắm vững để áp dụng khi giải quyết, xét xử các vụ án dân sự đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng áp dụng tùy tiện.

                                                                        Văn Công Dần                       

                                                 Tòa Dân sự - Tòa án nhân dân tỉnh ĐắkLắk