Phong tục tập quán và việc vận dụng phong tục tập quán trong công tác xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cập nhật lúc: 14:41 21/02/2017

Phong tục, tập quán được hình thành từ những khuôn mẫu ứng xử hàng ngày, được lưu truyền trong cộng đồng người dân tộc Ê Đê dưới dạng truyền miệng, từ người này sang người khác, từ buôn làng này đến nhiều buôn làng khác ....

Đắk Lắk có 47 dân tộc anh em, trong đó có dân tộc Ê Đê với dân số khoảng hơn 300.000 người, sống chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, đông nhất là ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông. Cũng như các dân tộc khác đang sinh sống trên toàn lãnh thổ Việt Nam, người đồng bào dân tộc Ê Đê cũng có tiếng nói, chữ viết, bản sắc riêng của dân tộc mình và đặc biệt để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và xử lý mọi hành vi trong cuộc sống hàng ngày khi cho rằng hành vi đó đã vi phạm quy tắc xử sự, vi phạm đạo đức, luân thường đạo lý và truyền thống tốt đẹp của cha ông bao đời nay để lại, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, của dòng họ, buôn làng... và của cộng đồng thì đồng bào dân tộc Ê Đê cũng có các quy định bằng phong tục tập quán để xử lý nhằm giữ vững sự ổn định, trật tự trong gia đình, dòng họ, buôn làng,... và cộng đồng, giáo dục riêng bản thân người vi phạm, đồng thời răn đe, phòng ngừa và tuyên truyền, giáo dục chung.

Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê tại Đắk Lắk (ảnh minh họa từ thegioidisan.vn)

Phong tục, tập quán được hình thành từ những khuôn mẫu ứng xử hàng ngày, được lưu truyền trong cộng đồng người dân tộc Ê Đê dưới dạng truyền miệng, từ người này sang người khác, từ buôn làng này đến nhiều buôn làng khác, .... từ thế hệ này sang nhiều thế hệ khác và được sàng lọc trong quá trình áp dụng từ những vụ việc cụ thể, từ việc vận dụng tự nhiên của con người đáp ứng được những nhu cầu cần thiết cho việc bảo vệ lợi ích của cá nhân, ... lợi ích chung của cộng đồng người dân tộc Ê Đê thì một số nội dung của tập quán đã đi vào cuộc sống hàng ngày, được áp dụng nhiều lần và trở thành những quy tắc xử sự mang tính chuẩn mực, rồi mặc nhiên tất cả mọi người, các thành viên trong cộng đồng người Ê Đê phải thừa nhận và chấp hành nó như Luật Tục, thật ra đó là phong tục tập quán.

Nên Luật tục cũng có khái niệm: “Luật Tục Ê Đê là những quy tắc xử sự chứa đựng những tiêu chí về đạo đức, luân lý, các phong tục tập quán, lễ nghi tôn giáo; do nhiều thế hệ trong cộng đồng người Ê Đê có quan hệ huyết thống xây dựng nên và lưu truyền cho tới ngày nay, để điều chỉnh các quan hệ xã hội, nhằm điều hòa và bảo vệ xã hội truyền thống trong cộng đồng người Ê Đê; được mọi thành viên trong cộng đồng người Ê Đê chấp nhận, thực hiện một cách tự giác”.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập về sự khác biệt giữa phong tục tập quán với pháp luật hiện hành, sự ảnh hưởng trong cuộc sống đến quan hệ xã hội, đời sống dân sự.

* Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình

Quan hệ hôn nhân của người dân tộc Ê Đê theo truyền thống mẫu hệ, người phụ nữ chủ động trao vòng tay cầu hôn người đàn ông và cưới người chồng về cư trú, sinh sống tại nhà mình, con sinh ra mang họ mẹ, người con gái út lấy chồng có trách nhiệm trực tiếp nuôi dưỡng cha mẹ cho đến khi cha mẹ qua đời. Khi lấy nhau có rất ít cặp vợ chồng đăng ký kết hôn mà chủ yếu chỉ làm thủ tục kết hôn theo phong tục tập quán, chỉ có ít trường hợp có đăng ký kết hôn là cặp vợ chồng có hiểu biết về xã hội, nhận thức về pháp luật hoặc là những cặp vợ chồng đang công tác tại các cơ quan Nhà nước hoặc những cặp vợ chồng trẻ. Do đó, đối với những cặp vợ chồng không có đăng ký kết hôn, khi ly hôn họ thường nhờ hai bên dòng họ và Ban tự quản thôn buôn hoặc UBND xã, phường đứng ra giải quyết là xong, rất ít trường hợp họ nhờ Toà án giải quyết, chỉ trong trường hợp họ không thể thoả thuận được với nhau về việc phân chia tài sản thì họ mới kiện ra Toà án giải quyết. Qua thực tiễn giải quyết các vụ án “tranh chấp hôn nhân và gia đình” của người đồng bào dân tộc Ê Đê thì thấy:

- Về tình cảm:

Khi đã nhờ Toà án giải quyết thì rất ít trường hợp Toà án hoà giải đoàn tụ thành, vì thường  một bên vợ (hoặc chồng) dứt khoát phải ly hôn, đã sống ly thân trong một thời gian nhất định và đã được hai bên dòng họ kể cả Ban tự quản thôn buôn đứng ra hoà giải nhưng không thành.

- Về con chung: theo phong tục tập quán khi ly hôn các con đều ở lại với mẹ, tức là người mẹ có trách nhiệm tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng các con cho đến khi các con trưởng thành. Người chồng cũng không được quyền xin thay đổi người trực tiếp nuôi con (khác với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình).

Về trợ cấp nuôi con: phong tục tập quán cũng có quy định bên chồng phải có trách nhiệm trợ cấp nuôi con nhưng phải trợ cấp một lần bằng hiện vật hoặc bằng tiền, không quy định trợ cấp hàng tháng (khác với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình).

- Về tài sản:

+ Tài sản riêng: tài sản riêng của người nào thì người đó được hưởng, chủ yếu là những tài sản có trước thời kỳ hôn nhân hoặc được tặng cho riêng vợ (hoặc chồng) trong thời kỳ hôn nhân.

Đối với tài sản được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Ê Đê có quy định khác với pháp luật hiện hành, ví dụ: khi đi lấy vợ và sinh sống tại nhà vợ, bố mẹ có tặng cho con trai diện tích 5.000 m2 đất rẫy cà phê để làm ra sản phẩm nuôi vợ, nuôi con. Khi hai vợ chồng ly hôn kể cả trong trường hợp vợ (hoặc chồng) chết thì 5.000 m2 đất rẫy cà phê trên phải trả lại cho bố mẹ chồng hoặc gia đình bên chồng (nếu bố mẹ đã chết). Trừ trường hợp khi vợ (hoặc chồng) chết mà bố mẹ chồng hay gia đình bên chồng tự nguyện tặng lại cho vợ hoặc cho các con.

+ Tài sản chung:

Xuất phát từ quan điểm coi trọng người phụ nữ trong gia đình và được quyền quản lý tài sản, cho nên khối tài sản làm ra của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được coi là tài sản của nhà vợ, chồng không có quyền quản lý về tài sản. Khi ly hôn nếu chồng là người có lỗi dẫn đến việc ly hôn, ví dụ: người chồng ngoại tình, ngoài việc bị dòng họ bên nhà vợ bắt nộp phạt bằng con bò hoặc con trâu thì khi ly hôn người chồng không đựơc hưởng bất cứ tài sản gì (trừ trường hợp bên nhà vợ tự nguyện cho một phần tài sản). Ngược lại, nếu vợ là người có lỗi thì vợ cũng bị bên dòng họ nhà chồng bắt nộp phạt như trên và khi ly hôn người chồng sẽ được phân chia tài sản chung. Vì vấn đề này khi làm thủ tục lễ cưới đã được hai bên dòng họ và vợ chồng đã cam kết với nhau.

Cô dâu người Ê Đê  rước chủ rể về nhà mình (ảnh minh họa từ vinaculto.vn)

*  Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Phong tục tập quán của người Ê Đê có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có khác với pháp luật hiện hành.

Trong phong tục tập quán của người Ê Đê cũng có quy định các quan hệ giữa cha mẹ và con cái, nhưng trong các quan hệ dân sự thì vai trò và trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái là rất lớn và rất nặng nề, kể cả các con đã trưởng thành và có gia đình riêng (con chưa thành niên hay đã thành niên). Bởi lẽ, phong tục tập quán rất coi trọng việc cha mẹ quản lý, giáo dục con cái, nên khi con cái có hành vi xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng, nhân phẩm, danh dự hoặc xâm hại đến tài sản của người khác hay lợi ích của tập thể thì bố mẹ là người phải chịu trách nhiệm chính trong việc bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ, phong tục tập quán cho rằng vì do bố mẹ không biết nuôi dạy con cái ngay từ nhỏ nên con mới hư hỏng và có hành vi trái với đạo đức, luân thường đạo lý. Ví dụ: con trộm cắp con gà của người khác hoặc có hành vi gây thương tích cho người khác thì bố mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại kể cả phải nộp một khoản tiền lệ phí khi giải quyết hay phân xử.

Một số trường hợp cụ thể:

- Đối với những người đã có vợ hoặc có chồng, do xuất phát từ quan điểm khối tài sản làm ra của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được coi là tài sản của nhà vợ nên khi chồng có hành vi xâm hại đến sức khoẻ, .... cho người khác cần xem xét nguyên nhân, động cơ và mục đích của người chồng về việc xâm hại, từ đó mới quy trách nhiệm ai sẽ phải có nghĩa vụ bồi thường. Ví dụ: người chồng uống rượu say rồi có hành vi gây gổ và đánh người khác gây thương tích hoặc có hành vi trộm tài sản của người khác bán lấy tiền tiêu sài cá nhân thì bố mẹ của người chồng phải đứng ra dùng tài sản của mình để bồi thường cho phía người bị hại, vì trong trường hợp này vợ không có lỗi. Nếu trong trường hợp vợ có lỗi như xúi giục chồng đi trộm cắp mang tài sản về để nuôi vợ con hoặc xúi giục đánh người khác thì vợ chồng cùng chịu trách nhiệm bồi thường (giống pháp luật hiện hành). Tuy nhiên, nếu như hai vợ chồng không có tài sản thì bố mẹ cả vợ lẫn chồng có nghĩa vụ bồi thường thay.

- Trường hợp người có hành vi trực tiếp gây thiệt hại cho người khác với lỗi vô ý thì không phải bồi thường thiệt hại. Ví dụ: ông A xin đi nhờ xe máy của ông B, trên đường đi ông B điều khiển xe máy gây tai nạn làm ông A bị thương tích nặng hoặc tử vong thì ông B không phải chịu tiền chi phí điều trị hoặc mai táng phí cũng như các khoản tiền thiệt hại khác cho ông A (vì tình cảm ông B chỉ có thể tự nguyện hỗ trợ một khoản tiền cho ông A).

Hoặc trường hợp gia đình ông A nhờ ông B dùng chiếc xe máy của mình chở ông A đi khám bệnh, vì tình cảm nên ông B đồng ý, trên đường đi ông B chạy xe gây tai nạn làm cho ông H bị thương tích nặng hoặc tử vong và xe máy của ông B bị hư hỏng nặng, trong trường hợp này gia đình ông A phải bồi thường cho ông H cũng như tiền sửa xe cho ông B với quan điểm cho rằng việc ông B xâm hại đến sức khoẻ hoặc tính mạng,... cho người khác là do gia đình ông A nhờ ông B nên mới gây tai nạn.

- Cùng liên đới có nghĩa vụ chịu trách nhiệm bồi thường, ví dụ A và B rủ nhau đi chơi thì B gây sự và đánh C gây thương tích, tuy A không liên quan đến việc B đánh C nhưng A cũng phải liên đới bồi thường một phần tiền thuốc điều trị cho C, vì A đi chơi chung với B mà không ngăn cản B có hành vi đánh C và do xuất phát từ tình cảm trong dòng tộc, tình làng nghĩa xóm giữa A và B.

Và còn một số trường hợp khác.

* Chia di sản thừa kế

Trong phong tục tập quán của người Ê Đê quy định về việc chia di sản thừa kế thì thấy đơn giản hơn rất nhiều so với quy định của pháp luật hiện hành và thường không có xảy ra tranh chấp. Khi người chồng chết thì bố mẹ (nếu còn sống) của người chồng có quyền được hưởng một phần tài sản của con và do gia đình vợ thường tự nguyện chia cho. Tuy nhiên có sự khác biệt về hàng thừa kế, nếu bố mẹ đã chết thì em gái út (hoặc tất cả chị em gái hoặc cháu chắt) sẽ được hưởng (riêng con trai thì không được hưởng thừa kế). Kể cả trường hợp vợ chết trước chồng, nếu người chồng không ở lại với các con mà về với bố mẹ hoặc chị em gái thì người chồng cũng được mang theo một phần tài sản do gia đình vợ chia cho. Mặt khác, khi phân chia tài sản người Ê Đê thường không đặt ra khái niệm đó là di sản thừa kế mà đó chỉ là một phần công sức của người chồng tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân, ví dụ: vợ chồng có được 10.000m2 rầy cà phê, khi người vợ chết, chồng được chia 2.000m2 để về chung sống với bố mẹ hoặc các chị em gái.

Sau khi cha mẹ đều đã mất hoặc mẹ mất, số di sản còn lại (sau khi đã chia cho bố) thì thường người con gái út trong gia đình được hưởng toàn bộ và không phải chia cho ai nữa, vì khi các chị gái lập gia đình và sinh sống độc lập thì bố mẹ đã chia luôn tài sản cho họ. Trước khi chết bố mẹ thường không để lại di chúc gì cả.

* Những khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án

- Đối với trường hợp tài sản riêng nhưng do căn cứ quy định của pháp luật nên thành tài sản chung và có tranh chấp.

Trường hợp khi đi lấy vợ, bố mẹ có tặng cho con trai một lô đất rẫy cà phê để nuôi vợ nuôi con nhưng không viết giấy tờ gì. Theo phong tục, nếu sau này có ly hôn hoặc người con trai chết thì vợ con phải trả lại lô đất rẫy đó cho gia đình nhà chồng. Tuy nhiên, trong thời gian chung sống hai vợ chồng đã làm thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cơ quan có thẩm quyền cấp cho cả hai vợ chồng. Như vậy, từ tài sản riêng của chồng thành tài sản chung của hai vợ chồng nên khi ly hôn và có tranh chấp, tuy Toà án biết rõ về nguồn gốc đất nhưng căn cứ vào quy định của pháp luật nên Toà án buộc phải chia phần cho vợ (đương nhiên Toà án có xem xét nguồn gốc hình thành về tài sản nên người chồng được phần lớn hơn). Vì xét xử trái với quy định của phong tục, nên sau khi xử xong các đương sự thường khiếu nại gay gắt.

Các tranh chấp này xảy ra không nhiều, vì các trường hợp khác họ thường tự thoả thuận được với nhau theo hướng bên vợ tự nguyện trả lại tài sản cho gia đình nhà chồng hoặc gia đình nhà chồng tự nguyện tặng cho lại các con.

- Đòi hoàn trả lại phí nuôi ăn học sau khi ly hôn.

Đó là trường hợp khi kết hôn người chồng đang đi học Đại học, còn người vợ ở nhà kiếm tiền vừa nuôi con, vừa nuôi chồng ăn học trong thời gian dài. Nhưng sau khi ra trường và có việc làm thì người chồng xin ly hôn để cưới vợ khác. Trong quá trình giải quyết vụ án, chồng không thừa nhận việc người vợ có đầu tư kinh phí nuôi ăn học, vợ cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gì nên Toà án đã bác yêu cầu của người vợ. Mặc dù, việc người vợ đầu tư cho chồng ăn học là thực tế, như căn cứ vào hoàn cảnh kinh tế của gia đình nhà chồng thì thấy thật sự khó khăn, không có khả năng nuôi con đi học Đại học và khi đang đi học thì chồng đã về chung sống ở nhà vợ, có những trường hợp người vợ đòi hơn 400 triệu đồng, theo phong tục thì chồng phải hoàn trả lại cho vợ. Tuy nhiên, các trường hợp này xảy ra tranh chấp không nhiều, vì có một số trường hợp họ đã tự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết tranh chấp. 

 

Y Phi Kbuôr