Quan điểm của cá nhân về cac biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) có bắt buộc phải tuyên trong bản án dân sự không?

Cập nhật lúc: 09:44 08/10/2019

Các BPKCTT được quy định tại Chương VIII BLTTDS 2015 gồm 32 điều (từ Điều 111 đến Điều 142).

Theo quy định tại Điều 111 của BLTTDS  thì trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của BLTTDS có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều BPKCTT quy định tại Điều 114 của BLTTDS để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án; trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng BPKCTT quy định tại Điều 114 BLTTDS đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án.

Với ý nghĩa đó, BPKCTT là một công cụ hữu ích thường được các bên yêu cầu tòa án áp dụng để bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng có cách hiểu còn khác nhau về BPKCTT có bắt buộc phải tuyên trong bản án không, trường hợp được tuyên trong Bản án nhưng khi Bản án bị hủy theo trình tự Giám đốc thẩm, Tái thẩm thì BPKCTT còn hiệu lực hay không?

Theo quy định tại Điều 139 của BLTTDS. Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thi hành ngay; Tòa án phải cấp hoặc gửi quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi ra quyết định cho người có yêu cầu, người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và Viện kiểm sát cùng cấp. Như vây, đương sự không có quyền kháng cáo, VKS không có quyền kháng nghị đối với quyết định áp dụng BPKCTT mà chỉ có quyền khiếu nại, kiến nghị về quyết định áp dụng BPKCTT theo quy định tại Điều 140 của BLTTDS. Đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc Thẩm phán không quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thời hạn khiếu nại, kiến nghị là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc trả lời của Thẩm phán về việc không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Như vậy, Quyết định áp dụng BPKCTT là một quyết định theo trình tự thủ tục riêng biệt, độc lập của Thẩm phán hoặc của HĐXX và có hiệu lực pháp luật ngay khi ban hành đương sự không được kháng cáo, VKS không được quyền kháng nghị. Trong khi đó, theo quy định tại điểm c khoản Điều 266; khoản 4 Điều 313 của BLTTDS lại quy định trong phần quyết định của bản án sơ thẩm, phúc thẩm phải ghi rõ các căn cứ pháp luật, quyết định của Hội đồng xét xử về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án, về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo đối với bản án; trường hợp có quyết định phải thi hành ngay thì phải ghi rõ quyết định đó. Phần quyết định của bán án bắt buộc phải xử lý về BPKCTT được hiểu bắt buộc phải tuyên trong bản án và khi đã được tuyên trong bản án đồng nghĩa với việc được kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Điều 271; 279 của BLTTDS nên có mâu thuẫn với quy định tại Điều 139 của BLTTDS về hiệu lực của BPKCTT là đương sự không có quyền kháng cáo, VKS không có quyền kháng nghị. Thực tiễn, trong vụ án có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, sau đó bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm bị hủy toàn bộ bản án theo thủ tục giám đốc thẩm thì Cơ quan Thi hành án đã có công văn yêu cầu Tòa án  áp dụng BPKCCT giải thích về hiệu lực còn hay hết của Quyết định áp dụng BPKCTT và có nhiều cách hiểu khác nhau: Có cách hiểu nếu quyết định áp dụng BPKCTT riêng biệt không tuyên trong bản án thì vẫn còn hiệu lực; có cách hiểu quyết định áp dụng BPKCTT được tuyên trong bản án sẻ không còn hiệu lực.

Theo quan điểm của cá nhân để tránh có những nhận thức khác nhau về việc quyết định áp dụng BPKCTT có bắt buộc phải tuyên trong Bản án hay không và để phù hợp với quy định tại các điểm c khoản Điều 266; khoản 4 Điều 313 của BLTTDS cũng như bảo đãm các Bản án trước đây được ổn định thì ngoài việc Thẩm phán hoặc HĐXX đã ban hành quyết định áp dụng BPKCTT riêng biệt thì có thể chứ không bắt buộc phải tuyên trong bản án (việc tuyên trong bản án chỉ mang tính chất nhắc lại) và một khi đã tuyên trong Bản án cần phải tuyên rõ quyết định áp dụng BPKCTT có hiệu lực cho đến khi có quyết định thay đổi, bổ sung, hủy bỏ theo quy định tại các Điều 137; 138; 139 của BLTTDS, trường hợp bản án bị hủy thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đương nhiên bị hủy. Như vậy, hoàn toàn phù hợp với Thông báo Số: 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của TANDTC v/v thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử.

Tránh trường hợp tại phiên tòa đương sự mới yêu cầu áp dụng BBKCTT và HĐXX chấp nhận nhưng chỉ tuyên trong bản án mà lại không ban hành quyết định áp dụng BBKCTT riêng biệt. Như vậy, sẻ rất khó khăn trong việc thi hành quyết định áp dụng BBKCTT ngày, vì thời hạn tống đạt bản án dân sự sơ thẩm là 10 ngày, dân sự phúc thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Lê Thị Thanh Huyền