Quy định mới về tiếng nói, chữ viết và người phiên dịch cho người khuyết tật trong tố tụng dân sự

Cập nhật lúc: 11:22 15/02/2017

Trong thực tiễn xét xử trước đây khi áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 đã nảy sinh trường hợp đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác là người bị khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn thì khi tham gia tố tụng sử dụng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ riêng của họ như thế nào và người giúp họ dịch lại ngôn ngữ đó sang tiếng việt và ngược lại có được coi là người phiên dịch hay không?

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã giải quyết được vấn đề này đó chính là quy định mở rộng về nguyên tắc sử dụng tiếng nói, chữ viết và người phiên dịch trong tố tụng dân sự. Dưới đây là một số điểm mới về vấn đề này.

Điều 20 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng dân sự

Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng dân sự là tiếng Việt.

Người tham gia tố tụng dân sự có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này phải có người phiên dịch.

Người tham gia tố tụng dân sự là người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại.”

Sử dụng ngôn ngữ, ký hiệu hoặc chữ riêng khi tham gia tố tụng chính là một quyền mới của những người tham gia tố tụng bị khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn. Tuy nhiên, trong trường hợp người tham gia tố tụng bị các khuyết tật nêu trên thì bắt buộc phải có người biết được, hiểu được ngôn ngữ, ký hiệu, chữ riêng của họ để dịch lại.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì:

“ Người phiên dịch là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt. Người phiên dịch được một bên đương sự lựa chọn hoặc các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án yêu cầu để phiên dịch.”

Như vậy, để được tham gia tố tụng với tư cách người phiên dịch cho người bị khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn thì đương sự có thể lựa chọn một trong hai cách là tự thỏa thuận lựa chọn người phiên dịch và đề nghị Tòa án chấp nhận hoặc Tòa án có thể yêu cầu người phiên dịch tham gia tố tụng.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định:

“Trường hợp chỉ có người đại diện hoặc người thân thích của người khuyết tật nhìn hoặc người khuyết tật nghe, nói biết được chữ, ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật thì người đại diện hoặc người thân thích có thể được Tòa án chấp nhận làm người phiên dịch cho người khuyết tật đó.”

Người đại diện hoặc người thân thích của người bị khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn cũng có thể được làm người phiên dịch nếu chỉ có họ mới biết được, hiểu được ngôn ngữ, ký hiệu hoặc chữ của người bị khuyết tật và phải được Tòa án chấp nhận.

Tóm lại, trong vụ án dân sự có người tham gia tố tụng là người có khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn thì họ được quyền sử dụng ngôn ngữ, ký hiệu hoặc chữ riêng của mình nhưng phải có người phiên dịch tham gia tố tụng để dịch lại. Người phiên dịch trong trường hợp này có thể được đương sự thỏa thuận lựa chọn và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án yêu cầu để phiên dịch.

Phan Việt Tiệp