Trao đổi bài viết của tác giả Kiều My- Đức Mạnh đăng trên trang điện tử Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk ngày 05/7/2022 về: Vướng mắc trong việc xác định bản án đã được thi hành xong?
Cập nhật lúc: 11:12 10/08/2022
Tác giả bài viết đưa tình huống: Ngày 28 tháng 5 năm 2015, Tòa án nhân dân thành phố X xét xử Vàng Thái S, Hà Quang T và Phạm Văn P về tội “Cố ý gây thương tích”. Về trách nhiệm dân sự: buộc Vàng Thái S, Hà Quang T và Phạm Văn P phải liên đới bồi thường cho người bị hại số tiền 50.000.000 đồng. Ngày 27 tháng 7 năm 2017, Hà Quang T đã tự nguyện bồi thường cho người bị hại số tiền 50.000.000 đồng và đưa ra 02 quan điểm là:
Quan điểm thứ nhất: Vàng Thái S, Phạm Văn P chưa được xóa án tích do chưa chấp hành nghĩa vụ dân sự của bản án, vì: Theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự 2015 thì “Người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án”. Như vậy, Bộ luật Hình sự không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Việc Hà Quang T đã tự nguyện bồi thường toàn bộ nghĩa vụ theo quyết định của bản án, Vàng Thái S và Phạm Văn P chưa thi hành phần nghĩa vụ liên đới nên chưa được xóa án tích.
Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả : Vàng Thái S, Phạm Văn P đương nhiên được xóa án tích với lập luận: Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020; Điều 1 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự, quy định về tổ chức thi hành án đối với nghĩa vụ liên đới thì đối với trường hợp thi hành quyền, nghĩa vụ liên đới, cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho những người có quyền, nghĩa vụ liên đới. Trường hợp người được thi hành án chỉ yêu cầu một hoặc một số người trong những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới thì cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với người đó. Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên nghĩa vụ liên đới nhưng không xác định hoặc xác định rõ phần nghĩa vụ của từng người, thì trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự có quyền yêu cầu một hoặc một số người bất kỳ có điều kiện thi hành án trong số những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới. Người đã thực hiện thay phần nghĩa vụ thi hành án có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ liên đới khác thanh toán lại phần nghĩa vụ mà người đó đã thực hiện thay cho họ theo quy định của pháp luật dân sự. Cũng theo quy định tại Điều 288 Bộ Luật Dân sự năm 2015, nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình. Như vậy, khi một trong số những người bị kết án đã tự nguyện thi hành toàn bộ nghĩa vụ theo quyết định của bản án thì toàn bộ quyết định của Bản án đã được thi hành xong nên những người bị kết án đương nhiên được xóa án tích. Riêng trách nhiệm dân sự thì người đã tự nguyện thi hành án có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ còn lại thi hành phần nghĩa vụ liên đới của họ theo quy định pháp luật về dân sự và kiến nghị cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể khi áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 70 về chế định xóa án tích.
Chúng tôi xin trao đổi một số ý kiến như sau:
Thứ nhất: Việc tác giả đưa ra tình huống với những dữ kiện đưa ra chưa đủ căn cứ để xác định Vàng Thái S và Phạm Văn P có được đương nhiên xoá án tích hay không, vì: Vàng Thái S và Phạm Văn P xét xử về tội cố ý gây thương tích nhưng không nêu rõ Vàng Thái S và Phạm Văn P bị xử phạt theo loại hình phạt nào như: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng cho hưởng án treo hay tù có thời hạn, ngày Vàng Thái S và Phạm Văn P phạm tội mới sau khi chấp hành xong hình phạt của bản án mà chỉ đưa ra việc chấp hành bản án về nghĩa vụ dân sự để đưa ra quan điểm là đương nhiên xoá án tích hay chưa đương nhiên xoá án tích.
Thứ hai: Về quan điểm của tác giả cho rằng Vàng Thái S và Phạm Văn P đương nhiên được xoá án tích vì Hà Quang T đã thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho bị hại 50.000.000 đồng nên bản án đã được thi hành xong theo tôi là chưa phù hợp vì: Bản án quyết định Vàng Thái S và Phạm Văn P phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho người bị hại, việc Hà Quang T thực hiện toàn bộ việc bồi thường cho người bị hại không đồng nghĩa là Vàng Thái S và Phạm Văn P đã thực hiện nghĩa vụ của mình theo quyết định của bản án. Hà Quang T căn cứ quyết định của bản án và việc bồi thường của mình có quyền yêu cầu Vàng Thái S và Phạm Văn P bồi thường cho mình, do đó nghĩa vụ của Vàng Thái S và Phạm Văn P theo quyết định của bản án chưa thực hiện xong.
Trong tình huống này chúng ta cần xem xét nhiều khía cạnh để xác định Vàng Thái S và Phạm Văn P có đương nhiên xoá án tích hay không?
Theo quy định tại Điều 70 Bộ luật hình sự thì người bị kết án phải có nghĩa vụ chấp hành các quyết định của bản án, do đó: Trường hợp Vàng Thái S và Phạm Văn P đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự và chỉ xem xét việc chấp hành bản án đối với nghĩa vụ dân sự thì Vàng Thái S và Phạm Văn P có đương nhiên xoá án tích hay không khi đáp ứng các điều kiện sau:
Vàng Thái S và Phạm Văn P đã tự nguyện thực hiện nghĩa vụ liên đới cho Hà Quang T hoặc có xác nhận của Hà Quang T không yêu cầu Vàng Thái S và Phạm Văn P thực hiện nghĩa vụ liên đới xong trước khi Vàng Thái S và Phạm Văn P thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu Vàng Thái S và Phạm Quang P chưa thực hiện nghĩa vụ liên đới cho Hà Quang T hoặc thực hiện xong sau khi thực hiện hành vi phạm tội mới thì Vàng Thái S và Phạm Văn P không được đương nhiên xoá án tích vì Bộ luật hình sự không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất cứ lý do gì. Trường hợp này bản án quyết định Vàng Thái S và Phạm Văn P phải thực hiện nghĩa vụ liên đới với Hà Quang T mà chưa thực hiện.
Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp và bạn đọc.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?