Trao đổi nghiệp vụ trong việc xét xử các vụ án hình sự
Cập nhật lúc: 07:58 08/02/2017
Thông qua việc xét xử các vụ án hình sự theo trình tự phúc thẩm trong thời gian qua, nhìn chung các Tòa án nhân dân (TAND) huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Đắk Lắk (gọi chung là TAND cấp huyện) đã cơ bản áp dụng đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những sai sót của TAND cấp huyện đã được lãnh đạo TAND tỉnh góp ý trong các buổi họp giao ban, các văn bản chỉ đạo nhắc nhở rút kinh nghiệm.
Tòa hình sự, TAND tỉnh Đắk Lắk nhận thấy trong thời gian gần đây, TAND cấp huyện vẫn còn tồn tại một số vi phạm, thiếu sót trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự cần nêu lên để cùng rút kinh nghiệm chung như sau:
1. Đối với các vụ án hình sự, sau khi xét xử sơ thẩm và trong thời hạn kháng cáo, nếu người bị hại có đơn bãi nại xin giảm nhẹ hình phạt hoặc xin cho bị cáo được hưởng án treo, thì phải xác định đó là kháng cáo và Tòa án cấp sơ thẩm phải ra thông báo kháng cáo đối với yêu cầu của người bị hại. (Trong thời gian vừa qua Tòa án cấp huyện có nhiều trường hợp không xác định đó là kháng cáo của người bị hại theo đó không thông báo kháng cáo của người bị hại là vi phạm tố tụng).
2. Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam sau khi xét xử sơ thẩm có kháng cáo, thì Tòa án cấp sơ thẩm phải kiểm tra thời hạn tạm giam trước khi chuyển hồ sơ và phải chuyển hồ sơ đúng hạn luật định cho Tòa án cấp phúc thẩm.
3. Việc trình bày trong bản án hình sự: Phần nhận định và quyết định phải phù hợp với nhau; Hình thức trình bày bản án đúng theo mẫu quy định, ngắn gọn, súc tích; Khắc phục những thiếu sót về nội dung, kiểm tra lỗi chính tả trước khi ban hành bản án, tránh tình trạng thông báo đính chính bản án không đúng quy định. Khắc phục ngay tình trạng đính chính bản án do cẩu thả, nhẫm lẫn sai sót không đáng có.
Ngoài ra, một số TAND cấp huyện còn có vi phạm, thiếu sót trong việc áp dụng pháp luật như:
1. Vấn đề áp dụng Điều luật để xử lý vật chứng: Một số bản án không áp dụng cụ thể điểm, khoản nào của Điều 41 Bộ luật hình sự (BLHS) và Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) là thiếu sót. Bởi lẽ, Điều 41 BLHS có 3 khoản, trong đó ở khoản 1 có 3 điểm (quy định từ điểm a đến điểm c). Còn tại Điều 76 BLTTHS có đến 4 khoản, trong đó khoản 2 có đến 5 điểm và đều quy định rõ ràng việc xử lý vật chứng. Do vậy, cần phải căn cứ cụ thể vật chứng đó là “công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành…” ,vật chứng gì, vật chứng của ai, có giá trị hay không có giá trị…mà áp dụng Điều, khoản cho chính xác, tương ứng, tránh tình trạng áp dụng Điều, khoản chung chung như đã nêu trên.
2. Nhiều bản án áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS còn tùy tiện, không đúng hoặc không ghi cụ thể nội dung, lý do, tình tiết nào mà bị cáo được hưởng khoản 2 của Điều 46 BLHS vào bản án. Nhìn chung, một số bản án chưa thực hiện đúng Nghị quyết số 01 ngày 04/8/2000 của HĐTP-TANDTC.
3. Một vài trường hợp áp dụng điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS không đúng. Ví dụ: Bị cáo A khai ra các lần phạm tội khác cùng đồng bọn (B,C), B, C biết và nghe bị cáo A đã khai như vậy nên cũng thừa nhận theo thì chỉ có A mới được áp dụng điểm o “Người phạm tội tự thú”, còn B, C không được áp dụng tình tiết này, nhưng một số bản án sơ thẩm vẫn áp dụng điểm o cho cả B, C là sai.
4. Khi xét xử bị cáo về các tội ví dụ: “Tội cướp tài sản”, “Tội cướp giật tài sản” hay “Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” bản án sơ thẩm lại áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS là không đúng. Bởi lẽ, tội cướp không những xâm phạm đến tài sản mà còn xâm phạm đến nhân thân của người bị hại, còn tội tiêu thụ tài sản xâm phạm đến khách thể là trật tự công cộng, chứ không trực tiếp gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào. Nên cần lưu ý không áp dụng tình tiết “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” đối với 3 tội danh cụ thể nêu trên và một số tội danh khác trong BLHS.
5. Khi xét xử bị cáo về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 2 Điều 138 BLHS nhưng án sơ thẩm không ghi điểm nào của Điều luật là thiếu sót. Bởi vì, tại khoản 2 Điều 138 BLHS có đến 7 điểm (từ điểm a đến điểm g), hành vi của bị cáo phạm vào điểm nào của khoản 2 thì cần đánh giá, nhận định và áp dụng cụ thể để từ đó phân tích chính xác tính chất, mức độ, tính nguy hiểm của hành vi mà bị cáo vi phạm để áp dụng mức hình phạt sao cho tương xứng, phù hợp.
6. Có trường hợp tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo khai có mang tiền đến bồi thường cho người bị hại nhưng người bị hại không nhận, lời khai của bị cáo cũng được người bị hại thừa nhận, tuy nhiên bản án sơ thẩm đã không áp dụng tình tiết “Người phạm tội tự nguyện…bồi thường thiệt hại…” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS cho bị cáo là thiếu sót, làm bất lợi cho bị cáo.
7. Qua kiểm tra cũng như qua việc xét xử phúc thẩm, đã phát hiện một số bản án sơ thẩm của TAND cấp huyện cho bị cáo được hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật, nên gần đây lãnh đạo tòa hình sự đã có văn bản chỉ đạo cho Tòa án nhân dân cấp huyện rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục.
Trên đây là một số thiếu sót của Tòa án nhân dân cấp huyện, mà quá trình xét xử phúc thẩm đã phát hiện, cần nêu lên để trao đổi, rút kinh nghiệm chung trong việc áp dụng Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự sao cho thống nhất, chính xác, phù hợp và đúng pháp luật, góp phần đảm bảo hiệu quả chung trong công tác giải quyết án hình sự cho Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh Đắk Lắk.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?