Trao đổi nghiệp vụ về việc thu thập tài liệu, chứng cứ xác định mâu thuẫn vợ chồng trong vụ án hôn nhân và gia đình
Cập nhật lúc: 14:11 12/08/2020
Tại khoản 3 Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự quy định “Đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án”.
Vậy đối với những vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình thì có nhất thiết phải xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp, để Tòa căn cứ xác định mâu thuẫn làm căn cứ cho ly hôn hay không?
Tại giải đáp 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ
Tại điểm 24 mục IV “Trong vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến con chưa thành niên mà đương sự thuận tình ly hôn và thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Tòa án có phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án không?
Khoản 3 Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án”. Quy định này thể hiện tính chất đặc thù của vụ án hôn nhân và gia đình, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con. Do vậy, đối với vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến người chưa thành niên, việc thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp là bắt buộc.”
Đối với những vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình (kể cả trường hợp con chưa thành niên hay con đã thành niên) xảy ra 2 trường hợp: thứ nhất các đương sự thống nhất tự nguyện ly hôn và hòa giải thành tất cả các mối quan hệ (quan hệ nhân thân, con chung, tài sản chung và nợ chung). Thứ hai một trong các bên không thỏa thuận thống nhất được một trong các mối quan hệ cần giải quyết. Vậy theo khoản 3 Điều 208 BLTTDS và giải đáp số 01/2017 của Tòa án nhân dân tối cao quy định điều kiện bắt buộc khi giải quyết đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên thì Thẩm phán đều phải thu thập tài liệu, chứng cứ xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp để làm căn cứ cho ly hôn hay không. Điều nay vô hình dung xảy ra những bất cập trong thực tiễn áp dụng. Bởi lẽ đối với những vụ án hôn nhân và gia đình các đương sự thống nhất được tất cả các mối quan hệ cần giải quyết trong vụ án thì theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình thì Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành, hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán phải ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn của các đương sự.
Tuy nhiên tại khoản 3 Điều 208 BLTTDS thì trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì phải thu thập tài liệu, chứng cứ xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Trong thực tiễn việc đi thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp cũng bộc lộ các bất cập. Việc xác định tình trạng hôn nhân để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp thường qua phản ảnh của những người có quan hệ gần (cha, mẹ), cơ quan quản lý, chính quyền, địa phương nơi họ sinh hoạt…
Ví dụ như trong vụ án đương sự không yêu cầu hòa giải tại chính quyền địa phương nên chính quyền địa phương nơi cư trú không biết rõ mâu thuẫn giữa 2 vợ chồng hoặc đương sự ở trọ tạm trú hay ở một xã vùng xa… nên chính quyền địa phương không xác định rõ mâu thuẫn của vợ chồng nên có nơi không xác nhận biên bản xác minh cho Tòa án hoặc xác nhận biên bản do không hòa giải tại chính quyền địa phương nên chính quyền địa phương không nắm rõ mâu thuẫn, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Vậy việc xác minh nguyên nhân mâu thuẫn trong trường hợp như vậy có cần thiết không, có làm ảnh hưởng tới quá trình giải quyết một vụ án nếu đương sự thỏa thuận được tất cả các vấn đề trong vụ án hay không?
Quan điểm cá nhân của tôi đối với những vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình kể cả vụ án liên quan đến người chưa thành niên nhưng các đương sự thỏa thuận thống nhất được tất cả các mối quan hệ trong vụ án thì không cần thiết phải thu thập, tài liệu chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp mà chỉ phải bắt buộc thực hiện việc thu thập tài liệu, chứng cứ xác định nguyên nhân việc phát sinh tranh chấp để Tòa án xác định căn cứ giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên là hợp lý.
Trên đây là quan điểm cá nhân, mong sự góp ý của bạn đọc.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?