Trao đổi về bài viết của tác giả Văn Công Dần: Bàn về thẩm quyền ra lệnh tạm giam theo quy định tại khoản 3 Điều 278 BLTTHS.
Cập nhật lúc: 15:26 17/05/2021
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015) được Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Sau khi Bộ luật tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành thì việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam theo quy định tại khoản 3 Điều 278 BLTTHS có hai quan điểm khác nhau như tác giả Văn công Dần đưa ra đó là:
-Ý kiến thứ nhất cho rằng: Việc ra lệnh tạm giam đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên toà thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì thẩm quyền của Hội đồng xét xử.
- Ý kiến thứ hai cũng là ý kiến của tác giả Văn Công Dần: Nếu Hội đồng xét xử đang tiến hành xét xử vụ án (Hội đồng xét xử đã mở phiên toà) mà thời hạn tạm giam bị cáo đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì thẩm quyền ra lệnh tạm giam bị cáo trong trường hợp này của Hội đồng xét xử. Còn các trường hợp khác thì thẩm quyền của Chánh án Tòa án.
Tôi đồng tình với quan điểm của tác giả Văn Công Dần.Trường hợp Hội đồng xét xử đã mở phiên toà và đang tiến hành xét xử vụ án mà thời hạn tạm giam bị cáo đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì thẩm quyền ra lệnh tạm giam bị cáo trong trường hợp này của Hội đồng xét xử. Còn các trường hợp khác thì thẩm quyền của Chánh án Tòa án bỡi các lý do sau:
Thứ nhất: Khi hết thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử theo quy định tại khoản 1 Điều 277 mà Tòa án chưa mở phiên tòa thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đề xuất Chánh án, Phó Chánh án áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm. Bỡi vì khoản 1 Điều 278 BLTTHS năm 2015 quy định “Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định”. Như vậy, sau khi thụ lý vụ án bị can (bị cáo) đã áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam nhưng thời hạn tạm giam hết trước ngày mở phiên tòa thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đề xuất Chánh án, Phó Chánh án ra quyết định tạm giam theo mẫu số 05-HS ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vì lúc này Hội đồng xét xử chưa làm việc (chưa khai mạc phiên toà).
Ví dụ: Ngày 01/3/2018 Tòa án thụ lý vụ án đối với tội phạm ít nghiêm trọng. Tòa án ra lệnh tạm giam 30 ngày (trường hợp không trừ lệnh giam của Viện kiểm sát). Ngày 25/3/2018 Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, thời hạn mở phiên tòa là ngày 09/4/2018. Như vậy, việc ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử và thời hạn mở phiên tòa của Thẩm phán là đúng với khoản 1 và khoản 3 Điều 277 nhưng đến ngày mở phiên tòa bị cáo hết lệnh tạm giam 10 ngày. Như vậy, Thẩm phán chỉ có quyền đề xuất Chánh án, Phó Chánh án thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam để áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Trường hợp bị cáo không có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp ngăn chặn khác như: bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú... vì bị cáo trước đây phạm tội, đã bị truy nã, kết án tù, nếu áp dụng biện pháp ngăn chặn khác bị cáo bỏ trốn, mua chuộc hoặc tiếp tục phạm tội ....thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đề xuất Chánh án, Phó Chánh án ra quyết định tạm giam theo mẫu số 05-HS ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là đúng với Điều 277 và Điều 278 BLTTHS 2015 ( vì lúc này Hội đồng xét xử chưa làm việc).
Thứ hai: Đối với quy định tại khoản 3 Điều 278 thì đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa là trường hợp Hội đồng xét xử đã mở phiên tòa nhưng trong thời gian xét xử mà thời hạn tạm giam đã hết như phiên tòa phải mở trong nhiều ngày, phiên tòa tạm ngừng, kéo dài thời gian nghị án thì trong thời gian này Hội đồng xét xử phải ra lệnh tạm giam để hoàn thành việc xét xử theo mẫu số 07-HS ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Ví dụ: Ngày 01/3/2018 Tòa án thụ lý vụ án đối với tội phạm ít nghiêm trọng. Tòa án ra lệnh tạm giam 30 ngày (trường hợp không trừ lệnh giam của Viện kiểm sát). Ngày 15/3/2018 Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, thời hạn mở phiên tòa là ngày 30/3/2018 cũng là ngày hết thời hạn tạm giam nhưng trong quá trình xét xử phải tạm ngừng phiên tòa, kéo dài thời gian nghị án thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam để hoàn thành việc xét xử theo mẫu số 07-HS ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Trên đây là hai ý kiến trao đổi về bài viết của tác giả Văn Công Dần: Bàn về thẩm quyển ra lệnh tạm giam theo quy định tại khoản 3 Điều 278 BLTTHS. Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp và bạn đọc để việc nhận thức pháp luật được áp dụng thống nhất./.
Nguyễn Văn Anh
Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?