Trao đỏi về kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cập nhật lúc: 14:31 13/04/2020

Tại Kiến nghị số 1090/KN-VKS-DS ngày 29/11/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk có nội dung kiến nghị: “… qua thực hiện kiểm sát đối với các quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp huyện, Viện kiểm sát đã phát hiện một số Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án chưa ghi nhận quyền được khởi kiện lại của đương sự (đối với trường hợp đương sự rút toàn bộ đơn khởi kiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS). Như vậy là Tòa án đã vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS và chưa thực hiện chưa đúng theo nội dung Hướng dẫn Mẫu Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự- Mẫu số 45 (Bộ mẫu được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ- HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao). Điều đó đã gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cụ thể là nguyên đơn đã rút đơn khởi kiện nhưng không biết là mình có quyền được khởi kiện lại hay không?.

Nội dung kiến nghị này cũng là quan điểm của một số Thẩm phán khi áp dụng pháp luật và căn cứ vào phần hướng dẫn của Mẫu số 45-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC): Tuỳ vào từng trường hợp đình chỉ vụ án cụ thể mà ghi hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 218 của Bộ luật tố tụng dân sự, (kể cả về tiền tạm ứng án phí).

Tuy nhiên, một số Thẩm phán lại có quan điểm cho rằng: Không cần phải ghi hậu quả về quyền khởi kiện lại vụ án của đương sự trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Vì không có điều khoản nào của BLTTDS bắt buộc phải ghi. Đương sự có quyền hay không có quyền khởi kiện lại vụ án là tuỳ vào trường trường hợp sau khi có quyết định đình chỉ vụ án và đương sự có khởi kiện lại vụ án. Lúc đó, Toà án sẽ căn cứ vào việc khởi kiện lại của đương sự, căn cứ vào qui định khoản 1 Điều 218 BLTTDS sẽ đánh giá và quyết định đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án hay không. Đây cũng chính là quan điểm của tác giả và cho rằng kiến nghị nêu trên là chưa phù hợp, khi cho rằng “cần phải tuyên quyền khởi kiện lại nếu không tuyên là vi phạm khoản 1 Điều 218 của Bộ luật tố tụng dân sự”, bởi lẽ:

Quyền khởi kiện lại trong tố tụng dân sự được hiểu là quyền của đương sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự sau khi Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đình chỉ vụ án thì đương sự  vẫn được quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật.

Quan hệ dân sự mà trong đó các quyền và nghĩa vụ dân sự đều được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự. Đây cũng là nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự. Xuất phát từ nguyên tắc này mà đương sự có quyền khởi kiện, thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Nếu sau khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện để giải quyết vụ án dân sự theo thẩm quyền, mà sau đó đương sự rút lại toàn bộ đơn khởi kiện thì Tòa án sẽ ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Về mặt nội dung, Điều 218 BLTTDS quy định về hậu quả của việc đình chỉ vụ án như sau:

1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 hoặc vì lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.

3. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ.

4. Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Từ trích dẫn trên cho thấy: Điều 218 BLTTDS có quy định 03 vấn đề sau: (1) đương sự có quyền khởi kiện lại hay không; (2) giải quyết tiền tạm ứng án phí là tịch thu sung công quỹ hay hoàn trả lại cho đương sự; (3) Quyết định đình chỉ có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Về mặt kỹ thuật lập pháp, khoản 1 Điều 218 BLTTDS không liệt kê những trường hợp không có quyền khởi kiện lại nhưng đã loại trừ những trường hợp không bị mất quyền khởi kiện lại “…trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”; nghĩa là, sau khi Tòa án đình chỉ vụ án thì một số trường hợp (điểm a, b, d, đ, e khoản 1 Điều 217 BLTTDS) không có quyền khởi kiện lại (Hậu quả là mất quyền khởi kiện); còn một số trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c, g khoản 1 Điều 217 BLTTDS thì không bị mất quyền khởi kiện lại (không xảy ra hậu quả).

Theo nội dung Hướng dẫn Mẫu số 45 –Mẫu đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Bộ mẫu được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ- HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao) có hướng dẫn rõ:

“…9) Tuỳ vào từng trường hợp đình chỉ vụ án cụ thể mà ghi hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 218 của Bộ luật tố tụng dân sự, (kể cả về tiền tạm ứng án phí)...”

Chính từ nội dung hướng dẫn trên dẫn đến quan điểm thứ nhất là Quyết định đình chỉ phải ghi rõ hậu quả: hoặc không có quyền khởi kiện lại hoặc có quyền khởi kiện lại.

Theo người viết bài thì cách hiểu như trên có phần khiên cưỡng, không cần thiết, vì:

Thứ nhất, tuy đoạn quy định “…trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.” là một nội dung nằm trong Điều 218 có tên là “Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự” nhưng nội dung đã trích dẫn là ngoại lệ của khoản 1 Điều 218 BLTTDS, nó không phải là hậu quả, hậu quả ở đây thực chất là “không có quyền khởi kiện lại” hay cụ thể hơn là “mất quyền khởi kiện”.

Thứ hai, từ khi BLTTDS 2015 có hiệu lực thi hành, TANDTC chưa có hướng dẫn cụ thể vấn đề này, nhưng theo tinh thần hướng dẫn tại Điều 25 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng thẩm phán TANDTC (NQ số 05/2012/NQ-HĐTP) hướng dẫn riêng về quyền khởi kiện lại quy định tại khoản 1 Điều 193 của BLTTD năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011. Theo đó, khi đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, sẽ có các trường hợp sau:

Trường hợp không có quyền khởi kiện lại (hay mất quyền khởi kiện): gồm các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, h, i và k khoản 1 Điều 192 của BLTTDS 2004 (Theo khoản 1 Điều 25 NQ số 05/2012/NQ-HĐTP).

Trường hợp có quyền khởi kiện lại  (hay không mất quyền khởi kiện): gồm các trường hợp quy định tại các điểm c, e và g khoản 1 Điều 192 hoặc vụ việc quy định tại khoản 3 Điều 168 của BLTTDS(theo khoản 2 Điều 25 NQ số 05/2012/NQ-HĐTP).

Bên cạnh nội dung hướng dẫn trường hợp nào không hoặc có quyền khởi kiện lại thì ngay trong chính trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 192 của BLTTDS 2004, Hội đồng Thẩm phán còn hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của Tòa án như sau:

Trách nhiệm thứ nhất là: phải giải thích rõ cho các đương sự về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án là các đương sự sẽ không có quyền khởi kiện lại vụ án (đoạn 2 khoản 1 Điều 25 NQ số 05/2012/NQ-HĐTP).

Trách nhiệm thứ hai là: nếu khi rút đơn kèm những điều kiện nhất định theo thỏa thuận, thương lượng giữa các đương sự thì  Cần ghi rõ những điều kiện đó  để làm căn cứ cho việc khởi kiện lại của đương sự (đoạn 3 khoản 1 Điều 25 NQ số 05/2012/NQ-HĐTP).

Trách nhiệm thứ ba là: trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án Tòa án phải nêu rõ hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án là các đương sự sẽ không có quyền khởi kiện lại vụ án đó…”(đoạn 4 khoản 1 Điều 25 NQ số 05/2012/NQ-HĐTP).

Như vậy, nếu riêng đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 192 BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011, thì bắt buộc Tòa án phải thực hiện những việc trên, nếu không thực hiện là vi phạm tố tụng.

Do đó, có thể thấy, hướng dẫn tại Điều 25 NQ số 05/2012/NQ-HĐTP là hướng dẫn cho hai trường hợp cụ thể các điểm d, đ của Điều 192 nên các trường hợp đình chỉ khác không bắt buộc phải ghi vào quyết định về đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án hay không và cũng không bắt buộc phải giải thích hậu quả cho đương sự trước khi đình chỉ giải quyết vụ án như hướng dẫn tại Điều 25 NQ số 05/2012/NQ-HĐTP.

Tuy nhiên, điểm d, đ khoản 1 Điều 192 BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 không còn quy định trong Điều 217 BLTTDS năm 2015 (Điều luật tương ứng về chỉ giải quyết vụ án dân sự).

Thứ ba, Về lý do cho rằng: cần tuyên nội dung quyền khởi kiện lại để đương sự biết:

Về mục đính của nội dung này cũng có vẻ thuyết phục; tuy nhiên, theo người viết bài thì không cần thiết phải tuyên quyền khởi kiện lại trong quyết định, bản án của Tòa án, bởi lẽ: pháp luật được thực hiện thông qua 04 hình thức: (1) Tuân theo pháp luật, (2) Chấp hành pháp luật, (3) sử dụng pháp luật và (4) áp dụng pháp luật. Việc thực hiện quyền “khởi kiện lại vụ án” chính là hình thức sử dụng pháp luật của một chủ thể nhất định, cụ thể hơn là sử dụng quyền khởi kiện; quyền khởi kiện của các chủ thể đã được quy định ở văn bản quy phạm pháp luật (cái vốn có, không bị thay đổi); nếu không vì bất kỳ một văn bản áp dụng pháp luật cụ thể nào của Tòa án chính thức xác định không có quyền khởi kiện thì quyền khởi kiện của các chủ thể vẫn tồn tại; các chủ thể được sử dụng quyền khởi kiện đó theo thủ tục chung như trong hướng dẫn ở khoản 2 Điều 25 NQ 05/2012/NQ-HĐTP mà không bị mất đi. Trong quá trình áp dụng pháp luật của Tòa án, phần quyết định trong bản án, quyết định dân sự chỉ chứa đựng những nội dung về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự của đương sự với nhau …là những nội dung cơ bản khi giải quyết một vụ, việc dân sự. Ngoài ra còn những quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự khác được tuyên để đương sự biết và thực hiện; nếu không tuyên, đương sự sẽ không biết để thực hiện vã dẫn đến mất một số quyền của đương sự chỉ có sau bản án, quyết định của Tòa án trong một thời hạn nhất định như quyền yêu cầu thi hành án, quyền kháng cáo….còn về quyền được khởi kiện lại thực chất không phải là quyền mới phát sinh từ khi có quyết định đình chỉ vụ án mà chỉ là khi đình chỉ giải quyết vụ án thì quyền khởi kiện không bị mất đi.

Vì không phải là hậu quả, không phải là trường hợp bắt buộc phải tuyên và cũng không nhất thiết phải tuyên để đương sự biết nên theo người viết bài thì nội dung kiến nghị  của Viện kiểm sát là chưa chính xác và sẽ dẫn đến cách hiểu là Tòa án vi phạm quy định về tố tụng thậm chí là “… đã gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.” là một trong những căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo điểm b khoản 1 Điều 326 của BLTTDS.

Đây là quan điểm cá nhân, rất mong ý kiến độc giả chia sẻ.

Bùi Văn Hưng – Tòa án nhân dân huyện Lắk