Trao đổi về một số thiếu xót trong giải quyết vụ án dân sự.

Cập nhật lúc: 16:06 23/09/2019

Trao đổi về một số thiếu xót trong giải quyết vụ án dân sự.

Trong thời gian qua, qua nghiên cứu hồ sơ các vụ án dân sự do Tòa án nhân dân cấp huyện chuyển đến để xét xử phúc thẩm, nhìn chung việc xây dựng hồ sơ vụ án của cấp sơ thẩm cơ bản là đảm bảo đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp mặc dù điều luật đã có quy định hoặc đã có hướng dẫn của TANDTC nhưng TAND cấp huyện thuộc TAND tỉnh Đăk Lăk chưa tuân thủ đúng, quá trình điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ vẫn còn những thiếu sót mà cấp phúc thẩm phải khắc phục mới có đủ căn cứ vững chắc để giải quyết vụ án. Sau đây là một số thiếu sót thường gặp của Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk:

1/ Không giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho đương sự

Điều 48 Bộ luật tố tụng dân sự quy định:

“Khi được Chánh án Tòa án phân công, Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1…………;

6. Giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;”

Những người được trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 7 của Luật trợ giúp pháp lý, bao gồm:

“1. Người có công với cách mạng.

2. Người thuộc hộ nghèo.

3. Trẻ em.

4. Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

7. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;

b) Người nhiễm chất độc da cam;

c) Người cao tuổi;

d) Người khuyết tật;

đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;

e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;

g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;

h) Người nhiễm HIV”.

Mặc dù khoản 6 Điều 48 BLTTDS đã có quy định như trên nhưng trong thực tiễn giải quyết, xét xử án dân sự, một số vụ án có đương sự là người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý, nhưng cấp sơ thẩm không giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý là vi phạm khoản 6 Điều 48 Bộ luật tố tụng dân sự. Do đó, khi giải quyết các loại vụ án, Thẩm phán cần xem xét các đương sự trong vụ án đó có thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý hay không, để giải thích cho các đương sự biết. Theo tác giả, vì đây là quyền được trợ giúp pháp lý nên việc giải thích cho đương sự biết phải được thể hiện bằng văn bản và lưu hồ sơ vụ án.

2/ Thủ tục xét miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí chưa đúng quy định

Điều 14 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định Hồ sơ đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án như sau: “Người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm”.

Trong thực tế, không phải đương sự nào cũng biết được mình có thuộc trường hợp được miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí hay không. Do đó, theo tác giả thì Thẩm phán được phân công cần xem xét, giải thích bằng văn bản cho những đương sự thuộc trường hợp được miễn, giảm để họ làm đơn đề nghị kèm theo các tài liệu chứng minh. Trường hợp đã giải thích mà không làm đơn đề nghị là không đủ điều kiện để xét miễn, giảm. Hiện nay, một số Thẩm phán không thực hiện đúng Điều 14 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, mặc dù đương sự không có đơn đề nghị nhưng vẫn miễn, giảm án phí, lệ phí là không đảm bảo về thủ tục.

3/ Không thu thập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi giải quyết  tranh chấp quyền sử dụng đất, Tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó được cấp cho hộ gia đình.

Nội dung này đã được hướng dẫn tại Tại điểm 4 Mục III Giải đáp số 02 năm 2017 của TANDTC nhưng vẫn còn trường hợp khi giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Hộ gia đình, Thẩm phán không thu thập Hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định ai là thành viên hộ gia đình tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất là thiếu sót, cấp phúc thẩm phải khắc phục dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

4/ Chuyển hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Đăk Lăk để giải quyết khi chưa điều tra, xác minh, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ; hoặc chuyển không đúng quy định.

Ngày 27 tháng 02 năm 2018, Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk đã ban hành Công văn số 107/CV-TA về việc “Giải quyết vụ việc dân sự theo Điều 34 BLTTDS”. Nội dung Công văn nêu rõ: Để đảm bảo thuận tiện cho người dân khởi kiện đến Tòa án, hạn chế tốn kém trong việc xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ. Yêu cầu Thẩm phán lập hồ sơ, điều tra, xác minh thu thập chứng cứ hoàn thiện. Trước khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử mà xét thấy cần thiết phải hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện thì đề xuất lãnh đạo TAND tỉnh để chuyển hồ sơ vụ án đến TAND tỉnh Đăk Lăk xét xử sơ thẩm vụ án theo thẩm quyền.

Về thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 34 BLTTDS cũng đã được hướng dẫn tại Mục II, Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, cụ thể như sau:

“Khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức thì Tòa án phải xem xét, đánh giá về tính hợp pháp của quyết định cá biệt đó.

Trường hợp quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và phải hủy quyết định đó mới bảo đảm giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự mà việc hủy quyết định đó không làm thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự thì Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết và xem xét hủy quyết định đó.

Trường hợp việc xem xét hủy quyết định đó dẫn đến thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì Tòa án nhân dân cấp huyện đang thụ lý giải quyết vụ việc dân sự phải chuyển vụ việc cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết và xem xét hủy quyết định đó.

Trường hợp khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt nhưng không cần thiết phải hủy quyết định cá biệt đó và việc không hủy quyết định đó vẫn đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự thì Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết”.

Trong thời gian qua có một số vụ án Dân sự sơ thẩm còn rất nhiều nội dung chưa được điều tra, xác minh, thu thập hoàn thiện nhưng Tòa án nhân dân cấp huyện đã ban hành quyết định chuyển hồ sơ lên TAND cấp tỉnh để giải quyết, có vụ án chuyển không đúng hướng dẫn tại Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, trước khi chuyển cũng không đề xuất lãnh đạo TAND tỉnh xem xét, dẫn đến TAND tỉnh phải mất thời gian nghiên cứu hồ sơ, sau đó chuyển lại cho TAND cấp huyện, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Do đó, để khắc phục tình trạng chuyển hồ sơ không đúng, trước khi chuyển hồ sơ cho TAND tỉnh, TAND cấp huyện phải thực hiện đúng nội dung Công văn số 107/CV-TA ngày 27 tháng 02 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong xác định thẩm quyền thì phải có văn bản đề xuất, trong đó nêu tóm tắt nội dung tranh chấp để lãnh đạo TAND tỉnh xem xét, có ý kiến chỉ đạo.

Trên đây, là một số thiếu sót thường gặp của TAND cấp huyện trong thời gian qua. Do vậy, để giải quyết vụ án chặt chẽ hơn, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, TAND cấp huyện cần phải khắc phục các thiếu sót trên.

Lưu Thị Thu Hường

TAND Tỉnh Đắk Lắk