Trao đổi về thẩm quyền xem xét giải quyết đối với vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt của cơ quan tổ chức
Cập nhật lúc: 10:52 03/05/2019
Trao đổi về thẩm quyền xem xét giải quyết đối với vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt của cơ quan tổ chức
Theo quy định tại Điều 34 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức:
“1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.
2. Quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này là quyết định đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó.
3. Khi xem xét hủy quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị Tòa án xem xét hủy.
4. Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh.”
Để việc thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Bộ luật tố tụng hành chính năm 2015 được thống nhất và đảm bảo quy định pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành các giải đáp về nghiệp vụ, trong đó giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016.
Theo giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cáo hướng dẫn:
“Khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức thì Tòa án phải xem xét, đánh giá về tính hợp pháp của quyết định cá biệt đó.
Trường hợp quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và phải hủy quyết định đó mới bảo đảm giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự mà việc hủy quyết định đó không làm thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự thì Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết và xem xét hủy quyết định đó.
Trường hợp việc xem xét hủy quyết định đó dẫn đến thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì Tòa án nhân dân cấp huyện đang thụ lý giải quyết vụ việc dân sự phải chuyển vụ việc cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết và xem xét hủy quyết định đó.
Trường hợp khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt nhưng không cần thiết phải hủy quyết định cá biệt đó và việc không hủy quyết định đó vẫn đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự thì Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết.”
Theo hướng dẫn trên có thể hiểu, Tòa án nhân dân cấp huyện là Tòa án thụ lý giải quyết đối với các vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức. Trong quá trình giải quyết nếu có căn cứ xác định quyết định cá biệt trái pháp luật và cần phải hủy mới đảm bảo quyền lợi, ích hợp pháp cho các đương sự thì Tòa án đã thụ lý phải chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện theo hướng dẫn của giải đáp đã phát sinh vướng mắc về thẩm quyền chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thẩm quyền. Cụ thể: Thẩm phán hay Hội đồng xét xử là người có thẩm quyền ra quyết định chuyển hồ sơ?
Tại Điều 41 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về việc chuyển vụ việc dân sự cho Tòa án khác giải quyết tranh chấp theo thẩm quyền: “1. Vụ việc dân sự đã được thụ lý mà không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đã thụ lý thì Tòa án đó ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý...”
Theo quy định nêu trên thì khi có căn cứ cho rằng vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Tòa án đã thụ lý ra quyết định chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền xem xét giải quyết. Tuy nhiên, điều luật và giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao chỉ nêu chung chung là Tòa án chứ không quy định rõ ai là người có thẩm quyền ra quyết định chuyển hồ sơ.
Do quy định chung chung nên dẫn đến hiện nay có 02 quan điểm về việc Thẩm phán hay Hội đồng xét xử, ai là người có thẩm quyền ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo quy định pháp luật.
Quan điểm thứ nhất: Thẩm phán là người ra quyết định chuyển hồ sơ, do Thẩm phán ra quyết định nên thời điểm chuyển sẽ trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, trường hợp này Thẩm phán là người sẽ đánh giá toàn bộ tài liệu, chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc và xác định quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức có liên quan trong vụ án là trái pháp luật và cần phải hủy nên ra quyết định chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Vấn đề đặt ra là việc chuyển hồ sơ của Thẩm phán như vậy có khách quan, đúng quy định pháp luật, phù hợp với bộ quy tắc về đạo đức và ứng xử của Thẩm phán hay không? Khi chỉ có Thẩm phán là người đánh giá tài liệu chứng cứ mà không trải qua giai đoạn tranh tụng tại phiên tòa để đánh giá chứng cứ thì việc đánh giá này có khách quan đúng đắn và đảm bảo được quyền và lợi của đương sự không, khi tại phiên tòa sơ thẩm đương sự vẫn có quyền thay đổi bổ sung hoặc rút yêu cầu và có quyền cung cấp thêm tài liệu, chứng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thực tế, có một số hồ sơ do Thẩm phán ra quyết định chuyển hồ sơ đến Tòa án cấp tỉnh thì Tòa án cấp tỉnh đã trả hồ sơ về vì không có căn cứ để hủy quyết định cá biệt có liên quan. Việc chuyển hồ sơ của Thẩm phán cũng dẫn đến tình trạng đương sự khiếu nại các quyết định chuyển nhiều vì qua quyết định chuyển hồ sơ đường lối giải quyết vụ án bị tiết lộ.
Quan điểm thứ hai: Hội đồng xét xử ra quyết định chuyển hồ sơ sau khi các đương sự đã tiến hành tranh tụng tại phiên tòa, trường hợp này thì tại phiên tòa sơ thẩm các đương sự được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình, trong đó có quyền được tranh tụng và qua quá trình kiểm tra và đánh giá tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như việc tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sẽ có đầy đủ căn cứ để khẳng định quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức liên quan trong vụ án có cần phải hủy hay không, từ đó sẽ quyết định có chuyển vụ án cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết hay không.
Quan điểm của người viết đồng tình với việc Hội đồng xét xử là người ra quyết định chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân cấp tỉnh giải quyết nếu trong quá trình xét xử có căn cứ xác định quyết định cá biệt của cơ quan tổ chức, người có thẩm quyền, có liên quan trong vụ án là trái pháp luật và cần phải hủy mới đảm bảo quyền lợi, ích hợp pháp cho các đương sự. Việc Hội đồng xét xử ra quyết định chuyển hồ sơ sẽ đảm bảo được quyền và lợi của đương sự theo quy định của pháp luật và đảm bảo được tính khách quan khi đánh giá tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Hạn chế được tình trạng khi chuyển hồ sơ đến Tòa án nhân cấp tỉnh thì bị trả ngược về, dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian giải quyết vụ án và hạn chế được tình trạng đương sự khiếu nại đối với quyết định của Tòa án.
Trên đây là ý kiến trao đổi về thẩm quyền chuyển hồ sơ đối với các vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?