Trao đổi về tình tiết “Có tính chất côn đồ” hay “Vì lý do công vụ của nạn nhân” trong vụ án cố ý gây thương tích, thông qua một trường hợp cụ thể
Cập nhật lúc: 14:35 05/04/2017
Ngày 16/3/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm các bị cáo Nguyễn Văn T và Đặng Ngọc D về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự. Theo cáo trạng và bản án sơ thẩm thì nội dung vụ án như sau:
Anh Bùi Văn N, là bảo vệ của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu B thuộc huyện Ea Súp đang trông coi bảo vệ công ty thì thấy Nguyễn Văn T và Đặng Ngọc D đi xe máy vào đất rừng do công ty quản lý. Đến nơi, Đặng Ngọc D dùng cưa xăng định cắt cây Kơ nia, cách trụ sở công ty khoảng 30m thì anh N đi đến yêu cầu không được cắt cây nhưng Nguyễn Văn T và Đặng Ngọc D vẫn cắt. Anh N ngăn cản thì T và D xông vào dùng hai tay đấm vào vùng mặt và đầu anh N làm anh N ngất xỉu, sau đó cả hai bỏ mặc anh N và chở cây gỗ về. Anh N sau đó được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, tỉ lệ thương tích 20%. Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân huyện Ea Súp đã tuyên bố các bị cáo T và D phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm i khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự và áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với các bị cáo. Sau đó các bị cáo làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk phát biểu quan điểm và cho rằng việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” tại điểm i khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo là không chính xác mà hành vi của các bị cáo thuộc trường hợp cố ý gây thương tích “Vì lý do công vụ của nạn nhân” theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã không chấp nhận quan điểm trên của đại diện Viện kiểm sát, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.
Việc Hội đồng xét xử phúc thẩm không áp dụng tình tiết định khung “Vì lý do công vụ của nạn nhân” đối với các bị cáo là có cơ sở bởi lẽ:
Tại tiểu mục 2 chương 2 Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29.11.1986 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985, đã hướng dẫn: “Người thi hành công vụ là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình và cũng có thể là những công dân được huy động làm nhiệm vụ (như: tuần tra, canh gác...) theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ lợi ích chung của nhà nước, của xã hội”.
Tại Điều 3 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước quy định “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án”.
Đối chiếu với các quy định nêu trên có thể thấy công ty B là công ty tư nhân, không phải là cơ quan nhà nước. Đồng thời công ty B cũng không được coi là một tổ chức xã hội vì “Các TCXH có một số đặc điểm chung là: các tổ chức ngoài nhà nước, tự nguyện, tự quản lý, tự chịu trách nhiệm về kinh phí, hoạt động phi lợi nhuận, tập hợp kết nạp hội viên là người cùng ngành, nghề, giới, lứa tuổi, sở thích...có điều lệ hoặc quy chế được thành lập hoạt động một cách thường xuyên để đạt mục đích nào đó. Tổ chức và hoạt động của các tổ chức đó không được trái với lợi ích của nhân dân, dân tộc, Tổ quốc, chế độ XHCN và được pháp luật công nhận (có đăng ký hoạt động, phê chuẩn điều lệ...).(1). Công ty B hoạt động vì mục đích lợi nhuận, do đó không phải là tổ chức xã hội. Mặt khác, anh N là bảo vệ của công ty, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình nhằm mục đích bảo vệ lợi ích riêng của công ty, không phải bảo vệ lợi ích công. Do đó, việc Tòa án cấp phúc thẩm xác định tội danh Cố ý gây thương tích với tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” chứ không phải là “Vì lý do công vụ của nạn nhân” là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
-------------------------------------------------------
(1) Theo TS. Đỗ Thị Ngọc Phương - Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em. Bài viết “Vai trò của các tổ chức xã hội và một vài khuyến nghị”. Tạp chí Tổ chức Nhà nước.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?