Trao đổi về việc đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện, rút yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập.
Cập nhật lúc: 18:28 29/03/2022
Khi đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện, rút yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, Tòa án đình chỉ bằng Quyết định riêng, đình chỉ trong Quyết định hay không ghi trong quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự?
Quá trình giải quyết các vụ án dân sự, trước khi Tòa án tiến hành hòa giải hoặc tại phiên hòa giải, đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập. Việc rút một phần yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, do các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Khi hết thời hạn thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận, Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Tuy nhiên, thực tiễn còn có nhiều ý kiến khác nhau về việc đình chỉ bằng quyết định riêng, đình chỉ trong Quyết định hay không phải ghi đình chỉ trong Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: khi đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện, rút yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập thì Tòa án phải ra quyết định đình chỉ phần rút yêu cầu, sau đó ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Vì, đương sự yêu cầu rồi lại rút yêu cầu thì phải căn cứ vào Điều 244 BLTTDS để đình chỉ phần rút yêu cầu của đương sự. Theo quan điểm của chúng tôi là không phù hợp. Bởi lẽ, khoản 2 Điều 244 BLTTDS quy định thẩm quyền của Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút. Mặt khác, trong hồ sơ vụ án không thể vừa có Quyết định đình chỉ vừa có Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Khi có người rút yêu cầu thì không ra quyết định đình chỉ riêng đối với các yêu cầu đã rút, mà trong Quyết định công nhận thuận sự thỏa thuận của các đương sự ghi nhận sự thoả thuận của đương sự và ghi đình chỉ đối với các yêu cầu mà nguyên đơn, bị đơn, người yêu cầu độc lập rút yêu cầu, thì chỉ đúng một phần. Bởi lẽ, khi có đương sự rút yêu cầu trước, trong khi hoà giải thì Thẩm phán đã ghi nhận vào biên bản hoà giải. Hết thời hạn 7 ngày, nếu không có đương sự thay đổi ý kiến thì Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự. Như vậy, Thẩm phán chỉ công nhận sự thoả thuận của đương sự, chứ không thể công nhận việc đình chỉ phần rút yêu cầu của đương sự. Mặt khác, nếu đình chỉ một phần yêu cầu trong quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, thì sẽ không phù hợp với tiêu đề “Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”. Theo hướng dẫn tại mục 7 phần IV Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Toà án nhân dân tối cao thì: “Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và trong quyết định đó phải thể hiện rõ việc thay đổi địa vị tố tụng: bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn. Trường hợp nguyên đơn rút một phần yêu cầu thì Tòa án không ra quyết định đình chỉ riêng mà phải nhận xét trong phần Nhận định của Tòa án trong bản án và quyết định đình chỉ một phần yêu cầu trong phần Quyết định của bản án.”, theo tinh thần của hướng dẫn này chỉ áp dụng trong trường hợp đình chỉ một phần yêu cầu trong phần Quyết định của bản án chứ không phải trong Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Quan điểm thứ ba, cũng là quan điểm của người viết: Trước và trong phiên hòa giải, khi có đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện, người có yêu cầu độc lập có đơn rút yêu cầu, thì Thẩm phán ghi nhận vào biên bản hoà giải, sau đó lập biên bản hoà giải thành. Hết thời hạn 7 ngày nếu không có đương sự thay đổi ý kiến thì Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, phần đương sự rút yêu cầu, người có yêu cầu độc lập có đơn rút yêu cầu không cần thiết phải ghi trong quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, bởi lẽ:
Thứ nhất: Điều 211 của BLTTDS quy định“Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành.”. Tại khoản 2 Điều 212 của BLTTDS quy định“Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.”. Như vậy, bản chất của Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, là thẩm phán chỉ ghi nhận các vấn đề mà các đương sự đã tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án mà không trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Thứ hai: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm thủ tục hòa giải là bắt buộc, để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải (Điều 205 BLTTDS). Tại phiên hòa giải, các đương sự có quyền thay đổi, bổ sung, rút một phần toàn bộ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập. Các yêu cầu này thể hiện ý chí của đương sự, được thẩm phán ghi nhận trong biên bản hòa giải, nên không cần thiết phải có đơn rút một phần yêu cầu. Nếu đương sự rút một phần yêu cầu trước khi Thẩm phán hòa giải thì có đơn, nhưng vẫn được thể hiện trong biên bản hòa giải.
Thứ ba: Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là căn cứ vào Biên bản hòa giải thành chứ không phải là Biên bản hòa giải. Biên bản hòa giải thành chỉ ghi nhận lại sự thỏa thuận của các đương sự đã thỏa thuận với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án, biên bản này được giao cho đương sự. Do vậy, các đương sự có quyền thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, chứ không có quyền thỏa thuận yêu cầu Tòa án đình một phần yêu cầu đã rút. Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu đã rút của đương sự chỉ được nhận định trong bản án, tức là khi vụ án được đưa ra xét xử và quyết định đình chỉ một phần yêu cầu trong phần quyết định của bản án, vấn đề này chỉ thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử (khoản 2 Điều 244 BLTTDS).
Bộ luật tố tụng dân sự không quy định và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể trường hợp nêu trên, đây chỉ là ý kiến của các cá nhân. Để nâng cao nhận thức và áp dụng pháp luật, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp và đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao có văn bản hướng dẫn để thống nhất áp dụng pháp luật.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?