Trao đổi ý kiến về thủ tục hòa giải trong vụ án ly hôn “Không công nhận quan hệ là vợ chồng”
Cập nhật lúc: 09:32 07/06/2022
1. Cơ sở pháp lý
Hiện nay, quy định về các vụ án dân sự không được hòa giải được cụ thể hóa tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, gồm:
- Yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
- Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Như vậy, chỉ những vụ án được quy định thuộc một trong các trường hợp ở trên thì không được hòa giải.
2. Cơ sở thực tiễn.
Tình huống cụ thể: Bà Nguyễn Thị H và ông Trần Văn T chung sống với nhau như vợ chồng tại thôn X, xã Y, huyện K, tỉnh B từ năm 1999 đến năm 2020 nhưng không đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Thời điểm năm 2021, hai người phát sinh mâu thuẫn do bất đồng quan điểm sống, không tìm được tiếng nói chung. Do đó, để đảm bảo cho cuộc sống mới, bà H đã nộp đơn khởi kiện, đề nghị giải quyết không công nhận quan hệ giữa bà và ông T là vợ chồng.
Quá trình giải quyết vụ án, có hai quan điểm nhận thức xung quanh vụ án này liên quan đến việc xác định vụ án có thuộc trường hợp được hòa giải không?
2.1. Quan điểm thứ nhất cho rằng, vụ án này thuộc trường hợp không được hòa giải, và viện dẫn các quy định:
Tại khoản 1 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định:
“1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là cơ quan đăng ký kết hôn) thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 của Luật này.
Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 của Luật này đều không có giá trị pháp lý.
Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.
…”
Tại Hướng dẫn tại điểm c khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã nêu:
“3. Việc áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này được thực hiện như sau:
a) Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;
b) Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.
Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng;
c) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết”.
Tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về đăng ký kết hôn:
1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.
Đối chiếu các quy định trên thì quan hệ giữa bà H và ông T không được pháp luật thừa nhận do vi phạm các quy định về đăng ký kết hôn (vi phạm quy định của luật).
Do đó, khi giải quyết loại vụ án này thì Tòa án không được tiến hành hòa giải mà chỉ tiến hành các thủ tục tố tụng khác (trừ việc hòa giải) và đưa vụ án ra xét xử theo quy định. Quan điểm này cũng lập luận, nếu vụ án trải qua thủ tục hòa giải, các bên đương sự cùng có yêu cầu Tòa án không công nhận quan hệ là vợ chồng và thỏa thuận được với nhau về con chung, tài sản chung và nợ chung (nếu có) thì Tòa án cũng không thể lập biên bản hòa giải ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành được. Vậy thì nội dung hòa giải thể hiện như thế nào? Ghi nhận những vấn đề gì?
2.2. Quan điểm thứ hai, đồng thời cũng là quan điểm của người viết cho rằng, đối với loại vụ án này thì Tòa án vẫn tiến hành hòa giải và lập biên bản hòa giải ghi nhận ý kiến của các đương sự (không lập biên bản hòa giải thành kể cả trong trường hợp các bên cùng có yêu cầu Tòa án không công nhận quan hệ là vợ chồng và thỏa thuận được với nhau về con chung, tài sản chung và nợ chung).
Bởi lẽ, ngay tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đã quy định rất rõ các vụ án không được hòa giải gồm:
- Yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
- Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Trong vụ án cụ thể trên thì việc bà H và ông T chung sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn không thuộc bất cứ trường hợp nào trong quy định trên; việc bà H và ông T chung sống với nhau không phải là giao dịch dân sự mà đó là loại quan hệ về quyền nhân thân đặc biệt của các bên; quan hệ giữa bà H và ông T không được pháp luật thừa nhận chứ không vi phạm điều cấm của luật (Luật không cấm bà H và ông T chung sống với nhau; chỉ trong trường hợp một trong các bên hoặc cả bà H và ông T đang có vợ hoặc có chồng nhưng vẫn chung sống với nhau thì mới vi phạm điều cấm của luật) đồng thời việc bà H và ông T chung sống với nhau cũng không trái đạo đức xã hội (nếu cả hai chung sống trên cơ sở tự nguyện, không bị lừa dối, ép buộc, …).
Do đó, người viết đồng tình với quan điểm cho rằng, khi giải quyết vụ án này, Tòa án vẫn tiến hành việc hòa giải như các vụ án khác thuộc trường hợp phải hòa giải. Biên bản hòa giải đối với vụ án này sẽ ghi nhận ý kiến các bên về việc giải quyết quan hệ hôn nhân; con chung, tài sản chung và nợ chung (nếu có) nhưng không lập biên bản hòa giải thành vì việc không công nhận quan hệ là vợ chồng phải được tuyên bằng bản án chứ không phải bằng Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự được.
Trường hợp qua quá trình hòa giải, các đương sự thống nhất được với nhau về việc đoàn tụ và sẽ thực hiện việc xác lập đăng ký kết hôn thì đó là kết quả mang tính tích cực, Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án và kết quả của vụ án được tính là một vụ án hòa giải thành.
Việc Tòa án không tiến hành hòa giải đối với vụ án trên với lý do vụ án thuộc trường hợp không được hòa giải là không đúng, vi phạm thủ tục tố tụng dân sự, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đương sự.
Trên đây là quan điểm cá nhân của người viết về trường hợp không được hòa giải trong vụ án ly hôn “Không công nhận quan hệ là vợ chồng”, hiện đang còn có quan điểm trái chiều, người viết rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của các quý đồng nghiệp và độc giả để việc nhận thức pháp luật được thống nhất.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?