Về thẩm quyền của Toà án và cơ quan đăng ký hộ tịch trong việc xác định cha, mẹ, con.
Cập nhật lúc: 11:41 05/01/2021
Về thẩm quyền của Toà án và cơ quan đăng ký hộ tịch trong việc xác định cha, mẹ, con.
Xác định cha, mẹ, con là một chế định được quy định tại Mục 2, chương V Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Xác định cha, mẹ, con bao gồm các nội dung được quy định tại các Điều 89, 90, 91 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
- Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Toà án xác định người đó là con mình.
- Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Toà án xác định người đó không phải là con mình.
- Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
- Cha, mẹ có quyền nhận con kể cả trong trường hợp con đã chết.
Về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con được quy định tại Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
- Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.
- Toà án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết (trường hợp này người thân thích của người này có quyền yêu cầu Toà án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết).
Mặt khác, theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì “Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ” thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án bằng vụ án dân sự. Đồng thời khoản 10 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: “Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ” thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án theo thủ tục giải quyết việc dân sự. Đây là quy định mới so với Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.
Như vậy, về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con mà có tranh chấp thì giữa Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đều xác định Toà án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Tuy nhiên, về giải quyết yêu cầu xác định cha, mẹ, con trong trường hợp không có tranh chấp thì theo khoản 1 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 do Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật về hộ tịch, còn theo khoản 10 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 do Toà án có thẩm quyền giải quyết theo trình tự giải quyết việc dân sự.
Hiện nay có nhiều quan điểm về thẩm quyền giải quyết yêu cầu xác định cha, mẹ, con trong trường hợp không có tranh chấp cụ thể:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Về nguyên tắc thì một sự việc chỉ có thể do một cơ quan giải quyết để tránh chồng chéo, do đó, giữa Luật Hôn nhân và gia đình và Bộ luật tố tụng dân sự có sự quy định chồng chéo nhau dẫn đến khó áp dụng trong thực tiễn và quan điểm này kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình theo hướng bổ sung thẩm quyền của Toà án xác định cha, mẹ, con trong trường hợp không có tranh chấp.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: Luật Hôn nhân và gia đình quy định việc yêu cầu xác định cha, mẹ, con trong trường hợp không có tranh chấp do cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện và Bộ luật tố tụng dân sự cũng quy định Toà án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xác định cha, mẹ, con trong trường hợp không có tranh chấp. Như vậy, quan điểm này cho rằng cả hai cơ quan (Cơ quan đăng ký hộ tịch và Toà án) đều có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xác định cha, mẹ, con trong trường hợp không có tranh chấp. Việc lựa chọn cơ quan nào giải quyết do người yêu cầu có quyền lựa chọn và quan điểm này cho rằng đây là quy định tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự có cơ hội lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của mình.
- Quan điểm cá nhân không đồng ý với hai quan điểm nêu trên và thấy rằng: Nghiên cứu kỹ quy định tại Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chúng ta có thể phân ra các trường hợp sau:
Thứ nhất: Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.
Thứ hai: Toà án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp.
Thứ ba: Toà án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết.
Thứ tư: Toà án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Toà án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết.
Như vậy, qua phân tích các trường hợp theo quy định tại Điều 101 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì hoàn toàn không có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như quan điểm thứ nhất và cũng không phải là hai cơ quan (Cơ quan đăng ký hộ tịch và Toà án) đều có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con trong trường hợp không có tranh chấp như quan điểm thứ hai.
Theo quan điểm của chúng tôi có thể xác định là:
- Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp và cha, mẹ, con còn sống tại thời điểm có yêu cầu xác định cha, mẹ, con (trường hợp thứ nhất).
- Toà án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục việc dân sự về xác định cha, mẹ, con trong các trường hợp sau (không có tranh chấp):
+ Trường hợp người được xác định là cha, mẹ, con đã chết (trường hợp thứ ba);
+ Trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết (trường hợp thứ tư);
- Toà án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự về xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp (kể cả trường hợp thứ ba và thứ tư nếu có tranh chấp).
Như vậy, chúng ta có thể xác định trong trường hợp yêu cầu xác định cha, mẹ, con mà không có tranh chấp và cha, mẹ, con còn sống tại thời điểm có yêu cầu xác định cha, mẹ, con không phải là trường hợp thụ lý yêu cầu việc dân sự theo khoản 10 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 vì không thuộc thẩm quyền của Toà án. Toà án chỉ thụ lý yêu cầu xác định cha, mẹ, con theo thủ tục việc dân sự quy định tại khoản 10 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đối với trường hợp yêu cầu xác định cha, mẹ, con mà người được yêu cầu xác định cha, mẹ, con đã chết đồng thời không có tranh chấp và trường hợp yêu cầu xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết đồng thời không có tranh chấp.
Trên đây là quan điểm của cá nhân về việc xác định thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.
Nguyễn Văn Chung
Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?