Vướng mắc trong hoạt động xét xử đối với tội danh: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”
Cập nhật lúc: 11:47 27/12/2022
Trao đổi nghiệp vụ: Vướng mắc trong hoạt động xét xử đối với tội danh: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là tội danh ghép được quy định trong cùng một điều luật (Điều 341 BLHS), các hành vi trên đều xâm phạm cùng một khách thể được BLHS bảo vệ, đó là trật tự quản lý hành chính của nhà nước, của tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính của nhà nước, của tổ chức trong lĩnh vực quản lý về con dấu, tài liệu.
Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được hiểu là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các con dấu, giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác bằng khắc, in, vẽ, đúc hoặc các kỹ thuật khác để làm giả con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ đó để thực hiện hành vi trái pháp luật. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần (tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…). Hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người không có thẩm quyền tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả của một cơ quan Nhà nước, tổ chức nhất định.
Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được hiểu là việc dùng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả không phải do mình làm ra để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Ví dụ đặt ra: Nguyễn Văn A không công tác trong lực lượng Công an nhân dân, tuy nhiên do thấy quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, Nguyễn Văn A đã đặt mua một giấy chứng minh nhân dân công an mang tên Nguyễn Văn A cấp bậc đại úy với giá 2 triệu đồng. Khi đặt mua thì A có cung cấp thông tin cá nhân và hình ảnh chân dung của mình. Sau đó chủ trang mạng xã hội đã gửi đến cho Nguyễn Văn A một giấy chứng minh nhân dân công an mang tên Nguyễn Văn A giả. Sau khi có giấy chứng minh công an giả Nguyễn Văn A tham gia giao thông và có hành vi, vi phạm giao thông đường bộ, khi làm việc với lực lượng Cảnh sát giao thông Nguyễn Văn A đã dùng giấy chứng minh công an nhân dân giả để xin bỏ qua lỗi vi phạm, nhưng Nguyễn Văn A bị lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện dùng giấy tờ chứng minh công an giả và bàn giao cho Cơ quan cảnh sát điều tra huyện B xử lý theo thẩm quyền. Quá trình điều tra truy tố Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện B và Viện kiểm sát nhân dân huyện B đã khởi tố và truy tố Nguyễn Văn A với hai hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật”.
* Vấn đề đặt ra để giải quyết gồm:
1. Tại điểm d khoản 4 Điều 12 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:
“Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a)…b)…;c)…;d) khắc dấu giả hoặc sử dụng con dấu giả”.
Điểm, khoản này quy định rất rõ về hành vi khắc dấu giả hoặc sử dụng con dấu giả chỉ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Việc thực hiện hành vi này mặc dù đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính nhà nước về con dấu, tài liệu nhưng không thỏa mãn điều kiện có thực hiện hành trái pháp luật, thì không xem xét đề cập xử lý hình sự.
Do đó, nếu hành vi trên thực hiện hành vi trái pháp luật thì mới coi là tội phạm theo quy định Điều 341 BLHS. Ngược lại, nếu việc làm giả mà sử dụng vào mục đích khác thì không được coi là tội phạm, mà chỉ xem xét xử phạt hành chính.
Đối chiếu với quy định trên thì hành vi của Nguyễn Văn A có cấu thành tội phạm theo quy định Điều 341 BLHS, cụ thể về hành vi đặt mua, cung cấp thông tin hình ảnh để làm giấy chứng minh công an giả, cũng như việc xuất trình giấy chứng minh công an giả để xin lực lượng cảnh sát giao thông bỏ qua lỗi vi phạm của Nguyễn Văn A có phải là hành vi trái pháp luật hay không? Hay chỉ vi phạm pháp luật hành chính?
Hành vi của Nguyễn Văn A có phải chịu trách nhiệm về hai hành vi “Làm giả” và “sử dụng” tài liệu giả của cơ quan, tổ chức hay không? Hay chỉ thỏa mãn một trong hai hành vi là “Làm giả” hoặc “sử dụng” tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
2. Trong trường hợp có căn cứ xác định Nguyễn Văn A bị Cơ quan điều tra Công an huyện B và Viện kiểm sát nhân dân huyện B khởi tố và truy tố Nguyễn Văn A với hai hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật”.
Khi Hội đồng xét xử đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội của Nguyễn Văn A thì có cần phân hóa hai hành vi “Làm giả” và “sử dụng” tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để xem xét từng hành vi sau đó tổng hợp hình phạt đối với mỗi hành vi hay không? Hay chỉ cần xem xét mức khung hình phạt trong cùng một điều luật để quyết định mức hình phạt đối với hai hành vi?
* Theo quan điểm cá nhân tôi:
Vấn đề thứ nhất: Đối với hành vi của Nguyễn Văn A đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định Điều 341 BLHS đối với hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, bởi lẽ hành vi đặt mua, cũng như cung cấp thông tin hình ảnh của mình để làm giấy chứng minh công an giả của Nguyễn Văn A đã thỏa mãn dấu hiệu đồng phạm đối với hành vi “Làm giả...”, đối với hành vi xuất trình giấy chứng minh công an giả để xin lực lượng cảnh sát giao thông bỏ qua lỗi vi phạm của Nguyễn Văn A là sai quy định, tuy nhiên chưa thỏa mãn các yêu tố là “hành vi trái pháp luật”, cụ thể thuật ngữ “Trái pháp luật” được hiểu: “Trái pháp luật là việc thực hiện ngược lại với quy định của pháp luật được nhà nước đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Các quy phạm pháp luật được ghi nhận trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam cũng như điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”
Đối chiếu các quy định trên thì hành vi của Nguyễn Văn A xuất trình giấy chứng minh công an giả để xin lực lượng cảnh sát giao thông bỏ qua lỗi vi phạm chưa có căn cứ xác định là “hành vi trái pháp luật” vì chưa được pháp luật điều chỉnh. Nên chưa thể xác định Nguyễn Văn A có hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật”. Hành vi nêu trên của Nguyễn Văn A có thể xem xét để xử lý vi phạm pháp luật hành chính theo quy định pháp luật hành chính hiện hành.
Vấn đề thứ hai đặt ra: Trong trường hợp có căn cứ xác định Nguyễn Văn A bị Cơ quan điều tra Công an huyện B và Viện kiểm sát nhân dân huyện B khởi tố và truy tố Nguyễn Văn A với hai hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật”.
Khi Hội đồng xét xử đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội của Nguyễn Văn A thì quan điểm cá nhân tôi là cần phân hóa đánh giá tính chất mức độ của từng hành vi “Làm giả” và “sử dụng” tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để quyết định mức hình phạt phù hợp trong cùng một điều luật (Điều 341 BLHS), vì đây là tội ghép cùng một điều luật nên không thể tổng hợp theo quy định tại Điều 55 BLHS.
Bài viết trên là quan điểm cá nhân nên bản thân xin được trao đổi với các đồng nghiệp. Mong nhận được nhiều ý kiến tranh luận của đồng nghiệp và bạn đọc. Qua nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn xét xử đối với tội danh trên các tòa án địa phương vẫn còn nhiều cách hiểu, vướng mắc và xử lý giải quyết khác nhau bản thân kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành những hướng dẫn cụ thể đối với tội danh trên để việc áp dụng pháp luật có tính thống nhất cao, đảm bảo tính thượng tôn pháp luật.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?