Vướng mắc trong tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ

Cập nhật lúc: 14:18 17/03/2023

Cải tạo không giam giữ là một trong các hình phạt đối với người phạm tội được quy định tại Điều 32 và Điều 36 Bộ luật hình sự. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã (sau đây gọi tắt là UBND xã) nơi người đó cư trú giám sát, giáo dục nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, người bị kết án, phải chịu sự giám sát, giáo dục của UBND xã.

Thực tiễn, người trong thời gian đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ lại phạm tội mới. Người phạm tội mới, bị Tòa án phạt tù có thời hạn.  Hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung. Nhưng khi tổng hợp hình phạt theo điểm b khoản 1 Điều 55 và khoản 2 Điều 56 Bộ luật hình sự còn có nhiều quan điểm khác nhau. Cụ thể:

Quan điểm thứ nhất: Thời hạn cải tạo không giam giữ người đó chưa chấp hành được chuyển đổi thành tù tính từ ngày người đó phạm tội mới. Bởi vì, trong thời hạn cải tạo không giam giữ, người đó phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Nên người đó không còn sự giám sát, giáo dục của UBND xã nữa, nên đã đương nhiên chấm dứt việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ.

Quan điểm thứ hai: Thời hạn cải tạo không giam giữ người đó chưa chấp hành được chuyển đổi thành tù tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Bởi vì, trong thời hạn cải tạo không giam giữ, người đó phạm tội mới, nhưng họ vẫn chấp hành các chế tài (khấu trừ một phần thu nhập hàng tháng) của hình phạt cải tạo không giam giữ, chịu sự giám sát, giáo dục của UBND xã, nên chưa chấm dứt việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Khi tuyên án sơ thẩm thì người đó mới bị kết tội, đây mới được coi là mốc cố định để tổng hợp hình phạt.

Quan điểm thứ ba: Thời hạn cải tạo không giam giữ người đó chưa chấp hành được chuyển đổi thành tù tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc từ khi họ bị tạm giam hay bỏ trốn, cũng là quan điểm của người viết. Bởi vì, kể từ khi người đó phạm tội mới, nếu họ không bị tạm giữ, tạm giam hoặc bỏ trốn, hay đến ngày xét xử sơ thẩm và sau khi xét xử sơ thẩm họ vẫn chịu sự giám sát, giáo dục của UBND xã, chưa chấm dứt việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Chỉ khi bản án sơ thẩm hoặc phúc thẩm có hiệu lực pháp luật họ mới phải chấp hành hình phạt tù, hoặc từ khi họ bị tạm giam hay bỏ trốn, tại các thời điểm này họ không còn chịu sự giám sát, giáo dục của UBND xã, đương nhiên chấm dứt việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Mặt khác, trong thời gian chấp hành án hình phạt cải tạo không giam giữ, hiện nay chưa có quy định hay văn bản nào hướng dẫn cho các quan điểm đã nêu. Do vậy, theo hướng có lợi cho bị cáo thì cần tổng hợp hình phạt tại thời điểm bị cáo đã chấm dứt hoàn toàn việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ.

Trên đây là nhận thức của người viết, pháp luật hình sự cần quy định thêm trường hợp người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ mà phạm tội mới, thì thời điểm chấm dứt việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ được tính từ khi nào, để xác định chính xác thời gian cải tạo không giam giữ còn lại sẽ được chuyển đổi thành tù để tổng hợp thành hình phạt chung. Rất mong nhận được sự trao đổi, góp ý từ các đồng nghiệp.

                                       TAND huyện M’Đrắk               

Nguyễn Thế Dương  – Vũ Văn Hoàng