Vướng mắc trong việc áp dụng Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
Cập nhật lúc: 09:35 18/05/2017
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 vẫn giữ thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự nhưng đã phát triển thành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Về trình tự, nội dung của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải được quy định tại Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân quy định này còn một số hạn chế:
Thứ nhất, về trình tự phiên họp gần như tách riêng thành hai phần là kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; không có sự kết hợp, gắn kết nên nhiều thủ tục đã thực hiện trong phần trước đã lặp lại trong phần sau như: Đương sự trình bày yêu cầu và phạm vi khởi kiện; việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện; yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết… việc lặp lại này gây sự trùng lắp, kéo dài thời gian không cần thiết của phiên họp.
Thứ hai, tại điểm d khoản 2 Điều này quy định cho đương sự có quyền đề xuất thẩm phán hỏi đương sự khác về “những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết”. Quy định này không rõ ràng, những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết là những vấn đề gì? Nếu mở rộng những vấn đề mà đương sự có quyền yêu cầu thẩm phán hỏi đối với đương sự khác thì dẫn đến thủ tục của phiên họp đã dài lại càng tốn nhiều thời gian hơn.
Thứ ba, khoản 3 Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự nêu trên quy định, thẩm phán sau khi nghe các đương sự trình bày xong sẽ “xem xét các ý kiến, giải quyết yêu cầu của đương sự quy định tại khoản 2 Điều này”. Vậy, những yêu cầu nào của đương sự sẽ được xem xét, giải quyết? Yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm a khoản 2 điều này có được giải quyết không? Quy định này cho thấy sự thiếu chặt chẽ và không rành mạch, rõ ràng.
Do vậy, thiết nghĩ Tòa án nhân dân tối cao nên có hướng dẫn cụ thể các nội dung trong Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để các thủ tục tránh lặp lại; quy định đương sự có quyền đề xuất thẩm phán hỏi những vấn đề về chứng cứ của vụ án mà đương sự thấy cần thiết để tránh kéo dài thời gian của phiên họp.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?