Vướng mắc trong việc hoãn chấp hành án phạt tù đối với bị án đang tại ngoại vì bị bệnh nặng.

Cập nhật lúc: 06:33 20/02/2020

Hoãn chấp hành hình phạt tù là việc chuyển thời điểm người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù sang một thời điểm muộn hơn vì những lý do khách quan, như bị bệnh nặng, bị bệnh tâm thần …, Thực tiễn hiện nay đang tồn tại những vướng mắc cần có hướng dẫn cụ thể, về trường hợp khi xem xét cho người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại được hoãn chấp hành hình phạt tù do bị bệnh nặng. Vấn đề này được quy định như sau:

Tại điểm a khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự, quy định: “Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục”.

Ngoài ra, còn được cụ thể hóa tại điểm a, tiểu mục 7.1, Mục 7 Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP, ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định:  “Là người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu... Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ”.

Như vậy, khi xem xét cho người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại được hoãn chấp hành hình phạt tù vì lý do bị bệnh nặng, không thể chấp hành án được chỉ cần điều kiện là có bản kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc nếu bắt người chấp hành án đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ, thì được hoãn thi hành án hình phạt tù.

Tuy nhiên, vào ngày 07 tháng 4 năm 2017 Tòa án nhân dân tối cao đã có Giải đáp số: 01/2017/ GĐ-TANDTC về một số vấn đề nghiệp vụ, trong đó có hướng dẫn về điều kiện hoãn thi hành án hình phạt tù, như sau: “Việc xác định bệnh nặng phải trên cơ sở hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 7.1 mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP nêu trên. Khi xem xét cho người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại được hoãn chấp hành hình phạt tù do bị bệnh nặng, Tòa án phải căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên là bị bệnh nặng mà không căn cứ vào tỷ lệ tổn thương sức khỏe”. Ngoài ra, còn được quy định tại khoản 7 Điều 25 Luật thi hành án hình sự năm 2019.

Vì vậy, khi xem xét cho người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại được hoãn chấp hành hình phạt tù do bị bệnh nặng thì Tòa án phải căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên là bị bệnh nặng mà không căn cứ vào tỷ lệ tổn thương sức khỏe, so với Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP, ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Ngoài điều kiện có bản kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về bệnh nặng, thì điều kiện bắt buộc phải có kết luận của Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên là bị bệnh nặng, thì mới được hoãn thi hành án cho đến khi sức khỏe được hồi phục.

Tuy nhiên, trong thực tiễn việc áp dụng căn cứ trên để cho người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại được hoãn chấp hành hình phạt tù do bị bệnh nặng thì còn có một số vướng mắc trong việc xem xét cho người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại làm đơn xin hoãn chấp hành hình phạt tù do bị bệnh nặng gửi đến Tòa án, thì họ chỉ cung cấp được bản kết luận về bệnh án của bệnh viện cấp tỉnh về tình trạng bệnh tật mà không cung cấp được kết luận của Hội đồng giám định y khoa của bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên là bị bệnh nặng, vì lý do Bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu chưa có Hội đồng giám định y khoa hoặc không có thẩm quyền để thành Hội đồng giám định y khoa để giám định về bệnh tật. Cho nên khi xem xét trường hợp này Toà án không có căn cứ để cho người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại được hoãn chấp hành hình phạt tù do bị bệnh nặng, được hoãn thi hành án vì chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

 “Ví dụ: Hiện nay Tòa án nhân dân huyện Ea H’Leo đang có trường hợp của người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại là anh Phạm A có đơn hoãn chấp hành hình phạt tù do bị bệnh nặng với tổn thương sức khỏe bị giảm là 95%. Tuy nhiên, để có cơ sở cho hoãn thi hành án thì Tòa án phải căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên là bị bệnh nặng mà không căn cứ vào tỷ lệ tổn thương sức khỏe”, nhưng khi yêu cầu Hội đồng giám định y khoa Bệnh viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi người bị kết án đang cư trú tiến hành giám định thì cơ quan này đã từ chối giám định với lý do hiện nay Bộ y tế và Viện giám định y khoa chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện giám định.”

 Từ những vướng mắc nêu trên, thiết nghĩ Tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng giám định y khoa tại bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu để tiến hành giám định về tình trạng sức khỏe cho người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại, khi họ yêu cầu để Tòa án có căn cứ và xem xét cho người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại được hoãn chấp hành hình phạt tù do bị bệnh nặng, vì khi áp dụng và xem xét thì Tòa án không thể căn cứ vào bản kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên và căn cứ vào tỷ lệ tổn thương sức khỏe để cho hoãn thi hành án được. Nếu Tòa án căn cứ vào điều kiện này để cho hoãn chấp hành hình phạt tù thì không đúng với Giải đáp số: 01/2017/GĐ-TANDTC về một số vấn đề nghiệp vụ, ngày 07 tháng 4 năm 2017 của Tòa án nhân dân tối cao và khoản 7 Điều 25 Luật thi hành án hình sự năm 2019.

Trên đây, là một số vướng mắc trong việc áp dụng, xem xét cho người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại được hoãn chấp hành hình phạt tù do bị bệnh nặng, cũng như một số ý kiến nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Nguyễn Năng Quân