Vướng mắc về thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách án treo.
Cập nhật lúc: 08:53 24/09/2020
Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Toà án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải đi chấp hành hình phạt tù.
Khi cho người phạm tội hưởng án treo, Toà án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm.
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số: 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách được xác định trong 8 trường hợp như sau:
1. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.
2. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.
3. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.
4. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
5. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần đầu.
6. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.
7. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.
8. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc phẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Vậy, trường hợp Toà án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, nhưng Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm, để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày nào thì chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến có hai quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, nhưng Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm, để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm lại. Vì Nghị quyết số: 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo không hướng dẫn trường hợp này nên thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm lại là phù hợp với quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự và hướng dẫn của Nghị quyết.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Mặc dù Nghị quyết không hướng dẫn nhưng vận dụng theo tinh thần của trường hợp thứ 4 và trường hợp thứ 5 thì trường hợp Toà án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, nhưng Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm, để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm lần đầu.
Do đó, Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn cụ thể về trường hợp này. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc./.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?