Xác định quan hệ pháp luật giải quyết vụ án “ly hôn” hay vụ án “không công nhận quan hệ vợ chồng”.

Cập nhật lúc: 15:26 18/12/2020

Thực trạng nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nhưng không đăng ký kết hôn, mà một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn, Tòa án thụ lý vụ án còn có quan điểm khác nhau trong việc xác định quan hệ pháp luật từ đầu giải quyết. Có quan điểm cho rằng quan hệ pháp luật cần giải quyết ngay từ đầu và yêu cầu đương sự phải ghi rõ trong đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết là “không công nhận quan hệ vợ chồng”; Quam điểm khác cho rằng ngay từ đầu phải xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết là “Ly hôn”, trong phần Quyết định của Bản án mới tuyên bố “Không công nhận quan hệ vợ chồng giữa …”. Để thống nhất trong việc xác định quan hệ pháp luật, chúng tôi đưa một số ý kiến trao đổi các vấn đề này như sau:

- Về đăng ký kết hôn: Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (LHN&GĐ) quy định: “Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý”.

- Về thụ lý đơn yêu cầu ly hôn: Theo quy định tại khoản 2 Điều 53 LHN&GĐ quy định: “Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này. ”

Như vậy, theo nội dung mà LHN&GĐ quy định thì nam, nữ chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn, mà một trong các bên có yêu cầu ly hôn, được Tòa án thụ lý đơn yêu cầu “ly hôn” để giải quyết chứ không phải “không công nhận quan hệ vợ chồng”. Theo quy định tại Điều 28BLTTDS quy định về thẩm quyền giải quyết các vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình,  Điều 29 BLTTDS quy định về thẩm quyền giải quyết việc dân sự yêu cầu về hôn nhân và gia đình. Cả hai điều luật này, không có quy định cụ thể nào về thẩm quyền của Tòa án đối với yêu cầu “không công nhận quan hệ vợ chồng”.

- Nếu căn cứ Khoản 7 Điều 28 BLTTDS quy định “Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật” thì không phù hợp. Mặt khác, khi ban hành Bản án, ở phần trình bày số, ký hiệu, ngày ban hành và trích yếu của bản án sẽ không tương thích với tranh chấp, bởi vì điều luật quy định tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

- Nếu căn cứ khoản 11 Điều 29 BLDS “Các quy định khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”, để chúng ta xác định quan hệ pháp luật là “ Tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng” phải là việc dân sự, nếu có tranh chấp về nuôi con, chia tài sản lại xác định là vụ án dân sự, dẫn đến việc lúng túng trong việc xem xét yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng là việc dân sự hay vụ án dân sự.

Chính vì vậy, thực tiễn xét xử còn nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định thủ tục thụ lý, cũng như hướng dẫn cho đương sự khởi kiện về yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án về “Ly hôn” hay “không công nhận quan hệ vợ chồng”. Xác định quan hệ pháp luật giải quyết đúng theo hình thức và nội dung, phản ánh đúng bản chất của vụ án, ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng của Tòa án và các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án. Qua phân tích nêu trên, chúng tôi thống nhất quan điểm phải xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết là “Ly hôn”, trong phần nhận định, Quyết định của Bản án mới tuyên bố “Không công nhận quan hệ vợ chồng” là phù hợp với Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động xét xử, cần thiết phải có hướng dẫn cách thức xác định quan hệ pháp luật cần giải quyếttrong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn khi một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Nguyễn Thế Dương – Vũ Văn Hoàng

                                                                       TAND huyện M’Đrắk